Vietstock - Tội phạm thuê, mua tài khoản ngân hàng để lừa đảo, đi vay, hậu họa khôn lường
Do nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, một bộ phận người dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi bị các đối tượng tội phạm săn đón, lợi dụng nhằm thuê mở tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo.
Thông tin này được ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết tại họp báo công bố Sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023 diễn ra hôm nay, 11/5.
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 nghiêm cấm chiếm đoạt trái phép tài khoản. Nhưng việc cho thuê, cho mượn tài khoản lại không được quy định, nên cơ quan chức năng chỉ có thể xử lý hành chính.
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, NHNN tiếp nhận nhiều văn bản của cơ quan công an các tỉnh, thành phố điều tra về các vụ án có liên quan đến cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng.
Điều này cho thấy, thực trạng ý thức pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao. Họ nghĩ rằng việc cho thuê, cho mượn tài khoản sẽ không có vấn đề gì.
“Thực tế chỉ bị xử phạt về mặt hành chính thì số tiền họ bị xử phạt cũng lớn hơn rất nhiều so với con số 300.000 – 500.000 đồng họ nhận được từ việc cho thuê tài khoản”, ông Tuấn nói.
Việc cho mượn, cho thuê tài khoản dẫn đến hình thức lừa đảo, người cho thuê, cho mượn tài khoản không mất tiền. Nếu các đối tượng dùng tài khoản đó để đi vay tiền, chắc chắn hậu quả sẽ khôn lường.
Do đó, việc ngân hàng có thể tiếp cận Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) và thực hiện xác thực điện tử thì sẽ ngăn chặn được những hành vi lừa đảo, trong đó có những trường hợp như trên.
Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN. (ảnh: NHNN).
|
Khi được liên thông, ngân hàng sẽ có được dữ liệu về khuôn mặt khách hàng, việc lợi dụng chiếm đoạt các dữ liệu để thực hiện các hành vi gian lận tại quầy hoặc trên môi trường mạng sẽ giảm, người dân sẽ yên tâm hơn. Nhất là với CCCD gắn chip, mọi dữ liệu của người dân được tích hợp trên con chip nên ngân hàng sẽ không còn bị các đối tượng qua mặt.
“Nếu các ngân hàng có những hạn mức nhất định để kiểm soát việc rút tiền từ tài khoản thì khách hàng dứt khoát phải được xác thực bằng sinh trắc học. Không có tổ chức tội phạm nào mang được khuôn mặt của người khác vào để thực hiện giao dịch rút tiền. Như vậy, chúng ta sẽ bảo vệ được khách hàng, gia tăng mức độ an toàn, tạo tâm lý yên tâm cho người dân khi sử dụng dịch vụ ngân hàng trên môi trường số”, ông Tuấn bày tỏ.
Tại quầy giao dịch, trong năm 2023, ngành ngân hàng cũng sẽ có một loạt thay đổi để đảm bảo nhận diện, định danh chính xác người dùng khi đến giao dịch với ngân hàng.
Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho rằng, các ngân hàng cũng phải có trách nhiệm trong công tác quản lý ngăn ngừa tội phạm.
“Không thể vô trách nhiệm, chỉ việc mở (tài khoản), thu lợi, phát triển mạng lưới để rồi tất cả những hậu quả rủi ro, những vấn đề liên quan đổ về cho các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi pháp luật”, ông nói.
Chuyển đổi số phải đảm bảo an toàn hệ thống
Một trong những vấn đề cần lưu ý là chuyển đổi số phải đảm bảo hệ thống được an toàn, thông suốt. Không chỉ hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, kể cả hệ thống thanh toán bán lẻ thông qua hệ thống của Napas cũng đáp ứng được mức độ tăng trưởng cực kỳ lớn trong thời gian vừa qua.
Với dự kiến từ 4,8 tỷ giao dịch diễn ra trong năm nay, Napas đã chuẩn bị hạ tầng cho khoảng 8,4 tỷ giao dịch.
Theo số liệu từ NHNN, năm 2022 tăng trưởng thanh toán qua kênh Mobile tăng 139,3% về số lượng và 106,5% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 225,4% về số lượng và 243,9% về giá trị.
74,63% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, trong đó 18,6 triệu thẻ ngân hàng và 11,9 triệu tài khoản thanh toán được mở bằng phương tiện điện tử (eKYC) đang hoạt động.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, ngành ngân hàng gặp khó khăn khi thực hiện chuyển đổi số. Trong đó có hành lang pháp lý chưa đồng bộ và phối kết hợp giữa các bộ, ngành, việc tích hợp khai thác và chia sẻ thông tin giữa các đơn vị. Ngoài ra còn vấn đề liên quan tới nhân lực, tài chính, công nghệ.
NHNN phấn đấu trong năm 2023 sẽ hoàn thiện các Nghị định trình Chính phủ để sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi số.
Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023 dự kiến diễn ra vào 18/5 với chủ đề “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng – động lực thúc đẩy chuyển đổi số”. Thời gian qua NHNN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc triển khai có hiệu quả Đề án 06 về ứng dụng CSDLQGVDC để thúc đẩy công tác chuyển đổi số. NHNN và Bộ Công an đã ký kết thoả thuận về triển khai kế hoạch vào ngày 24/4. NHNN đang đôn đốc các TCTD triển khai quyết liệt để đảm bảo sẽ thực hiện đúng tiến độ của Đề án và hoàn thành trước 31/12. |
Tuân Nguyễn