Theo Lan Nha
Investing.com - Tín dụng tiêu dùng luôn có sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài khi có nhiều công ty tài chính trong nước đã, đang và sẽ bán tiếp cổ phần cho đối tác ngoại, thu về hàng nghìn tỷ đồng. Tiêu biểu như thương vụ thoái vốn tại FCCOM của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HM:MSB) dự kiến được thực hiện vào năm 2022. Theo đó, ngân hàng sẽ bán toàn bộ cổ phần tại Công ty Tài chính FCCOM để tập trung phát triển ngân hàng bán lẻ, đồng thời tiếp tục tăng trưởng tín dụng, song hành cùng kiểm soát chặt rủi ro nợ xấu. Ngân hàng đang làm việc với 2 - 3 nhà đầu tư và đang tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng trong tháng 11/2021. Giá trị thương vụ ước tính không thấp hơn 100 triệu USD và MSB có thể thu về 1.800 - 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2022.
Ngoài ra, ngân hàng định hướng thoái vốn các công ty con và tập trung vào lĩnh vực chính, phát triển mảng bán lẻ, nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa, nhỏ (SME). Tính đến cuối tháng 10, MSB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 4.600 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch cả năm. Các chỉ số ROAA và ROAE lần lượt là 2,14% và 20,83%. Tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) được đạt 3,72%, cao hơn mức 3,35% của năm 2020 và 2,51% của 2019. Dự kiến, Ngân hàng sẽ cán mốc trên 5.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho cả năm 2021.
Bên cạnh kế hoạch dự kiến của MSB, Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (SMBCCF) nhận chuyển nhượng 49% vốn tại FE Credit từ tay Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HM:VPB). Thời điểm bán vốn, FE Credit được định giá đến 2,8 tỷ USD. Như vậy, VPBank có thể thu về gần 1,4 tỷ USD từ thương vụ này.
SMBC là một trong ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất tại Nhật Bản, hoạt động trên 40 quốc gia toàn cầu. Việc bán gần một nửa vốn điều lệ tại FE Credit sẽ mang lại cho VPBank một lượng tài chính lớn để đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, dưới con mắt của các chuyên gia tài chính, điều đáng giá nhất ở đây không phải là lượng vốn lớn thu về mà chính là sự xuất hiện của SMBCCF – ông lớn tài chính tiêu dùng dẫn đầu Nhật Bản và châu Á - tại Việt Nam. Đại diện tập đoàn SMBC cũng khẳng định, Việt Nam là một trong những thị trường trọng tâm. Thương vụ này không chỉ giới hạn ở kỳ vọng tăng trưởng của FE Credit, mà còn là minh chứng cho niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam.
Một thương vụ M&A khác là (HM:SHB) cũng bán 100% vốn điều lệ của SHB Finance cho đối tác là Krungsri của Thái Lan. Krungsri là thành viên thuộc Tập đoàn MUFG - Nhật Bản nắm giữ 76,88% vốn.
Trước đó, tại Công ty TNHH HD Saison bán 49% vốn điều lệ thuộc về Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản); Tập đoàn Shinsei (Nhật Bản) giữ 49% cổ phần Mcredit (MB).
Công ty tài chính Lotte Finance mua lại 100% cổ phần của Công ty tài chính TNHH Một thành viên Kỹ Thương (Techcom Finance)...
Tài chính tiêu dùng được đánh giá là thị trường hấp dẫn tại Việt Nam, có dư địa còn rất lớn với gần 100 triệu dân. Tỷ lệ dân số trẻ lớn và đang tiến vào nhóm nước thu nhập trung bình cao nên nhu cầu mua sắm và tiêu dùng không ngừng tăng lên. Ước tính khoảng 60% dân số có nhu cầu tài chính tiêu dùng trong khi con số tiếp cận hiện nay mới 15 - 20%. Trong những năm qua, dư nợ tổ chức tín dụng đều tăng cao 20% mỗi năm và hiện ở mức 20% tổng dư nợ nền kinh tế, trong khi con số đó trên thế giới là 40%. Tính đến cuối năm 2020, Việt Nam đã có 16 công ty tài chính đăng ký hoạt động với tổng số vốn điều lệ khoảng 22.000 tỷ đồng.
Nhìn vào các công ty tài chính nổi bật trên thị trường hiện nay, dễ dàng nhận thấy hầu hết đều là sở hữu hoặc có sự tham gia của các cổ đông nước ngoài. Nhu cầu lớn chưa được đáp ứng nên số người dân chưa tiếp cận được đầy đủ với dịch vụ tài chính chính thức chiếm tỷ lệ cao. Đây là mảnh đất cho các loại tín dụng không chính thức. Thị phần còn lớn và người dân sẽ rộng đường tiếp cận tài chính tiêu dùng hơn khi các công ty tín dụng tiêu dùng được nâng cấp cả về năng lực tài chính và quản trị điều hành khi có sự xuất hiện của các ông lớn nước ngoài thông qua các vụ M&A.