Theo NHNN, tiếp cận tín dụng là vấn đề được các đại biểu quan tâm nhiều nhất không chỉ ở một kỳ họp Quốc hội mà ở nhiều kỳ họp. Sáng nay (1/11), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024...
Liên quan tới vấn đề điều hành tín dụng, tiếp cận tín dụng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, bà Hồng cho rằng, nội tại của nền kinh tế, nhu cầu đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào vốn tín dụng của ngân hàng và dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam thuộc mức cao trong các nước cao nhất thế giới. Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo vấn đề này, do vậy đây là vấn đề luôn được quan tâm trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Cũng theo Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp điều hành chính sách tiền tệ cả bên cung vốn tín dụng và bên cầu vốn tín dụng. Đối với bên cung tín dụng, ngay từ đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra chỉ tiêu, định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm là 14% và đến gần giữa năm đã phân bổ và thông báo cho tất cả các tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống với chỉ tiêu khoảng 14%.
"Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều hành linh hoạt hỗ trợ thanh quản của hệ thống để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thúc đẩy tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế", bà Hồng nhấn mạnh. Tuy nhiên, tín dụng vẫn tăng chậm cập nhật đến ngày 27/10 đã tăng 7,1% so với cuối năm ngoái.
Hiện nay, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ các ngành cùng Ngân hàng nhà nước đang thực hiện đồng bộ các giải pháp như xúc tiến thương mại để tăng đơn hàng xuất khẩu và tăng cường khai thác cầu nội địa để doanh nghiệp có đầu ra và có dự án khả thi sẽ tiếp cận được tín dụng.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho bất động sản và đã nhận diện được khoảng 70% cái nguyên nhân dẫn đến những khó khăn đó là về pháp lý. Sau khi khó khăn về pháp lý được tháo gỡ, chắc chắn tăng trưởng tín dụng cũng sẽ tăng theo…
3 lý do tăng trưởng tín dụng thấp