Vietstock - Tiến độ cổ phần hóa tiếp tục "rùa bò"
Bộ Tài chính cho biết, trong 9 tháng năm 2021, Bộ mới nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của 3 doanh nghiệp, đều không nằm trong danh sách 89 doanh nghiệp theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...
Tổng công ty Phát điện 2 - EVNGENCO2 là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi cổ phần hoá trong năm 2021. |
Thông tin ngày 14/10 về công tác quản lý tài chính doanh nghiệp và cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, trong 9 tháng năm 2021 thoái vốn nhà nước tại 13 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 287 tỷ đồng, thu về 2.166,4 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 9, Bộ Tài chính nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa 3 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, với tổng giá trị doanh nghiệp là 252 tỷ đồng, trong đó, phần vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty là 151 tỷ đồng. |
Hành trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước năm 2021 được coi là “dậm chân tại chỗ” do 3 doanh nghiệp cổ phần hóa đều không nằm trong danh sách 89 doanh nghiệp theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, trong tháng 4, Cục Tài chính doanh nghiệp đã nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hoá của hai doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực miền Bắc với tổng giá trị doanh nghiệp 202 tỷ đồng.
Công ty TNHH Một thành viên Muối Việt Nam, do Nhà nước sở hữu 100% vốn, trực thuộc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc. Doanh nghiệp này thua lỗ 4 năm liên tiếp, từ 2017 - 2020, số lỗ lũy kế gần 25 tỷ đồng so với 47,8 tỷ đồng vốn điều lệ.
Trước đó, trong quý 1/2021, Tổng công ty Phát điện 2 thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng với số lượng hơn 580 triệu cổ phần, mệnh giá 10 nghìn đồng/cổ phần, giá khởi điểm 24.520 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, chỉ có 0,045% tổng số cổ phần được mua thành công.
Theo đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cổ phần hóa, thoái vốn chậm đến từ nguyên nhân khách quan do dịch Covid-19 bùng phát kéo dài. Các hoạt động chuẩn bị cho cổ phần hóa, thoái vốn như xác định giá trị doanh nghiệp, đấu thầu thuê tư vấn, tổ chức hội nghị ở các doanh nghiệp, các địa phương đều bị chậm lại, bị vướng do những yêu cầu bắt buộc về phòng chống dịch.
Bước sang năm 2021, năm đầu của giai đoạn 2021-2025, lãnh đạo các cơ quan đại diện chủ sở hữu là các bộ, ngành, UBND các địa phương, Ủy ban Quản lý vốn cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp, tổng công ty có quan điểm chờ đợi, không tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn.
Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn diễn ra chậm đang tác động tiêu cực đến tiến độ thu nộp vào ngân sách nhà nước, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến nỗ lực hoàn thành kế hoạch thu ngân sách của ngành Tài chính.
Số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp hiện mới đạt 366 tỷ đồng, chưa đạt 1% kế hoạch. Đây là kết quả rất thấp so với dự kiến số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp vào ngân sách nhà nước trong năm nay lên tới 40.000 tỷ đồng theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg, ngày 28/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Đề cập về một số nhiệm vụ trọng tâm trong quý 4, Bộ Tài chính cho biết sẽ tổng hợp kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020 và giai đoạn 2016-2020 của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước để kịp thời báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2021. Đồng thời, phối hợp với cơ quan đại diện chủ sở hữu nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước.
Trâm Anh