Vietstock - Thủ tướng: Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, con người Việt Nam, ngoài truyền thống cần cù lao động, thương yêu lẫn nhau, linh hoạt sáng tạo thì chủ trương của chúng ta rất được hoan nghênh là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là động lực và là mục tiêu của phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời các câu hỏi của ĐBQH sáng 12/11
|
Đại biểu Hoàng Văn Liên, Long An đặt câu hỏi: Cử tri đánh giá cao kết quả chuyến công tác của Thủ tướng tham dự Hội nghị COP26 và thăm làm việc tại Vương quốc Anh, thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Đặc biệt, các thông điệp của Thủ tướng đã thể hiện rõ quan điểm, lập trường Việt Nam về vấn đề toàn cầu biến đổi khí hậu, nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam. Đồng thời, Thủ tướng có nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn, nhiều nhà đầu tư bày tỏ quan tâm và sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam, nhất là vào khu vực ĐBSCL. Xin Thủ tướng cho biết các giải pháp đột phá thu hút đầu tư nước ngoài trong và sau đại dịch?
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng nhấn mạnh: Nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá. Đầu tư nước ngoài góp phần giải quyết các vấn đề về vốn, công nghệ, năng lực quản lý và đào tạo nguồn nhân lực.
Về các giải pháp đột phá, các Bộ trưởng, nhất là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao đổi nhiều về thể chế, hạ tầng… Thủ tướng cho biết có hai điểm rất quan trọng mà trong các phiên làm việc vừa qua với các nước, các tập đoàn, doanh nghiệp họ đều rất quan tâm.
Thứ nhất là ổn định chính trị để họ an tâm đầu tư lâu dài một nguồn vốn rất lớn, như Ngân hàng Standard Chartered sẵn sàng dành 8 tỷ USD đầu tư cho chúng ta phát triển bền vững, trong đó sẵn sàng đầu tư vào ĐBSCL.
Thứ hai là con người Việt Nam, ngoài truyền thống cần cù lao động, thương yêu lẫn nhau, linh hoạt sáng tạo thì chủ trương của chúng ta rất được hoan nghênh là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là động lực và là mục tiêu của phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Con người là vốn quý nhất, nguồn lực lớn nhất
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) nêu câu hỏi về vấn đề căn cơ về chiến lược vaccine, trong đó có ngoại giao vaccine cũng như các giải pháp đột phá về phát triển KTXH trong 2 tháng cuối năm.
Về triển khai chiến lược vaccine, Thủ tướng cho biết, nhiều nội dung đã nêu trong phần trả lời trên và nhấn mạnh, giải pháp căn cơ là vừa nhập khẩu vừa sản xuất trong nước.
Về giải pháp trong 2 tháng cuối năm, Thủ tướng nêu rõ, bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, thì việc phải làm là xây dựng, triển khai chương trình phục hồi, phát triển KTXH. Trên cơ sở kết luận của Trung ương, Chính phủ đang phối hợp tích cực với các cơ quan của Quốc hội để xây dựng chương trình này theo các hướng:
Thứ nhất là nâng cao năng lực y tế. Theo Thủ tướng một nguyên nhân tăng trưởng âm trong quý III/2021 là do chúng ta phải thực hiện các biện pháp hành chính về chống dịch. Nội dung này có 2 nội hàm là nâng cao năng lực y tế dự phòng và nâng cao năng lực y tế cơ sở.
Bên cạnh đó, cần xây dựng quỹ cho công tác phòng chống dịch và quỹ an sinh xã hội để chủ động hơn nữa trong sử dụng nguồn lực.
Thứ hai, cần tập trung cho con người. Đây là vốn quý nhất. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu rõ về phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh, nguồn lực con người là nguồn lực lớn nhất. Trong quá trình phát triển, lấy nội lực là cơ bản, lâu dài, quyết định, chiến lược; ngoại lực là đột phá.
Nội dung thứ 3 trong chương trình tổng thể phục hồi kinh tế là hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, cần phối hợp hài hòa, hợp lý giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, vừa tạo điều kiện cho tăng trưởng. Đây là bài toán khó.
Thứ tư là đầu tư hạ tầng. Thực hiện chương trình này, Thủ tướng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của gói hỗ trợ “phi tài chính”, là các cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Nhật Quang