Vietstock - Thoái vốn FE Credit, Ngân hàng mẹ VPBank (HM:VPB) báo lãi trước thuế 2021 gần 38,000 tỷ đồng
Sau khi thoái vốn tại FE Credit, Ngân hàng mẹ VPBank báo lãi trước thuế năm 2021 gấp 4 lần năm trước với hơn 37,963 tỷ đồng.
Theo BCTC riêng quý 4/2021, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB) công bố lợi nhuận trước thuế Ngân hàng mẹ năm 2021 đạt hơn 37,963 tỷ đồng, gấp 4 lần năm trước.
Nguyên nhân chủ yếu nhờ thu nhập từ góp vốn mua cổ phần riêng lẻ tăng 20,349 tỷ đồng nhờ Ngân hàng đã hoàn tất giao dịch chuyển nhượng 50% vốn tại công ty con là FE Credit (VPB SMBC FC). Do VPB SMBC FC vẫn là công ty con của Ngân hàng theo quy định của pháp luật nên thu nhập từ giao dịch chuyển nhượng công ty con này không ghi nhận trên Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất theo quy định về hợp nhất BCTC.
Bên cạnh đó, Ngân hàng mẹ còn ghi nhận lợi nhuận từ các công ty con chuyển về gồm VPB SMBC FC và VPB AMC) tổng cộng hơn 3,600 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC riêng lẻ quý 4/2021 của VPB
|
Trên BCTC hợp nhất, VPBank ghi nhận gần 34,349 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 6% so với năm trước.
Hoạt động dịch vụ thu về khoản lãi hơn 4,059 tỷ đồng, tăng 21%, chủ yếu nhờ tăng thu hoạt động dịch vụ và bảo hiểm, đồng thời giảm chi hoa hồng môi giới.
Lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư gấp 2.7 lần, thu về 3,150 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác tăng 26%, ghi nhận 2,808 tỷ đồng nhờ tăng thu từ hoạt động khác, thu từ các công cụ tài chính phái sinh khác và thu từ nợ đã xử lý rủi ro.
Năm nay, VPBank dành ra hơn 19,002 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng (tăng 30%), do đó Ngân hàng báo lãi trước thuế hợp nhất tăng 12%, đạt 14,580 tỷ đồng.
Nếu so với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 16,654 tỷ đồng được đề ra cho cả năm 2021, VPBank đã thực hiện được 88% chỉ tiêu.
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 4/2021 của VPB. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2021 của VPB
|
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của VPBank tăng 31% so với đầu năm, lên mức 547,626 tỷ đồng. Tiền gửi tại NHNN tăng 88% (10,880 tỷ đồng), tiền gửi tại các TCTD khác tăng 75% (40,329 tỷ đồng), cho vay các TCTD khác gấp 3 lần (16,858 tỷ đồng)…
Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tăng 4% so với đầu năm, lên mức 241,837 tỷ đồng. Phát hành giấy tờ có giá tăng 29%, ghi nhận 81,296 tỷ đồng chủ yếu là tăng ở kỳ hạn dưới 12 tháng (gấp 2.2 lần) và từ 12 tháng đến dưới 5 năm (+20%).
Một số chỉ tiêu tài chính của VPB tính đến 31/12/2021. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2021 của VPB
|
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu tại ngày 31/12/2021 chiếm 15,887 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Nợ nghi ngờ tăng đáng kể, ghi nhận hơn 8,446 tỷ đồng nhưng nợ có khả năng mất vốn giảm đi một nửa. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 3.41% lên 4.47%.
Chất lượng nợ vay của VPB tính đến 31/12/2021. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2021 của VPB
|
Tính riêng trên Ngân hàng mẹ, tổng nợ xấu tại thời điểm cuối năm đi ngang, ghi nhận hơn 5,630 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ 2.52% đầu năm xuống còn 2.01%.
Hàn Đông