Vietstock - Thị trường bảo hiểm nhân thọ cần đại phẫu?
Vấn đề bảo hiểm nhân thọ (BHNT) gần đây lại dậy sóng khi đồng loạt thu hút mạnh mẽ sự chú ý của dư luận trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Không như những lần trước, nhiều bức xúc được chia sẻ như giọt nước tràn ly là dấu hiệu cho thấy những khó khăn khó lường sẽ đến với BHNT trong năm nay và có thể trong vài năm tới. Có một số khối u đang tồn tại trong thị trường BHNT Việt Nam, và có nên đại phẫu lúc này?
Mặt trái của kênh phân phối qua ngân hàng
Phân phối một số loại hình bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) là một kênh hiệu quả và phổ biến ở nhiều thị trường trên thế giới. Chỉ trong vài năm trở lại đây, các ngân hàng trở thành kênh phân phối chủ lực của nhiều công ty BHNT ở Việt Nam.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu phí BHNT bình quân giai đoạn 2012-2022 vào khoảng 25,5%/năm, với 18.400 tỉ đồng vào năm 2012 và khoảng 178.000 tỉ đồng vào năm 2022. Về giá trị tuyệt đối thì từ năm 2017, cứ mỗi năm số phí tăng đều đặn khoảng 20.000 tỉ đồng. Trong số này, tỷ lệ phí bảo hiểm khai thác mới đến từ kênh ngân hàng gần đây chiếm đến 40%.
Vấn đề ở chỗ các sản phẩm BHNT được bán qua kênh ngân hàng chủ yếu là các sản phẩm liên kết đầu tư, chứ không phải thuần túy bảo vệ rủi ro, đảm bảo cho các khoản vay. Rất nhiều trường hợp khách hàng bị ép mua để hồ sơ vay được duyệt, thậm chí có trường hợp bị chuyển từ tài khoản tiết kiệm sang hợp đồng BHNT.
Các doanh nghiệp mạnh tay chi cho các hợp đồng khai thác mới, tỷ lệ hoa hồng và khen thưởng tập trung vào phí bảo hiểm của năm đầu tiên nên giá trị hoàn lại của các hợp đồng bảo hiểm ở những năm đầu là rất thấp. |
Các nhân viên tư vấn của ngân hàng chạy theo chỉ tiêu doanh số nên sẽ tìm mọi cách để làm sao phí bảo hiểm năm đầu tiên là nhiều nhất có thể. Muốn vậy thì việc tư vấn, giải thích sẽ tập trung nhiều vào các quyền lợi, mà lờ đi các điều khoản loại trừ, các trách nhiệm của khách hàng.
Không những thế, việc đào tạo kiến thức về các sản phẩm bảo hiểm được ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm rút ngắn đi, miễn sao có được mã đại lý để hợp thức hóa việc giao kết hợp đồng.
Cho đến khi có người dùng mạng xã hội để lên tiếng, và nhiều người phát hiện ra cũng có nhiều người rơi vào tình cảnh giống mình thì các bức xúc bắt đầu lan truyền mạnh trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông. Nhưng lúc này cũng có một số luồng thông tin cho rằng trách nhiệm thuộc về người tham gia bảo hiểm, rằng phải có hiểu biết, chẳng khác nào châm dầu vào lửa.
Doanh số là mục tiêu tối thượng của doanh nghiệp BHNT
BHNT là một sản phẩm tài chính để phòng ngừa rủi ro và đồng thời là một kênh huy động vốn dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế. Tuy nhiên với những gì đã và đang diễn ra ở thị trường BHNT Việt Nam thì hai mục tiêu này bị lu mờ bởi con số tăng trưởng doanh thu phí, tỷ lệ số người tham gia BHNT.
Vì chạy theo mục tiêu doanh số mà nhiều doanh nghiệp BHNT đẩy mạnh công tác tuyển dụng đại lý bảo hiểm, đầu tư mạnh vào kênh bancassurance. Việc tuyển dụng đại lý mới là ưu tiên hàng đầu, để thay thế số lượng đại lý bỏ việc sau 1-2 năm đầu vì tỷ lệ đại lý duy trì là rất thấp ở thị trường Việt Nam. Có những đại lý tìm đến nghề bảo hiểm vì chưa có việc làm, hoặc trình độ rất hạn chế. Nhưng các doanh nghiệp BHNT sẽ tìm cách để các đại lý này vượt qua được kỳ sát hạch của Bộ Tài chính để sớm có mã đại lý.
Vai trò và trách nhiệm của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là Bộ Tài chính, là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, bền vững. |
Một số người thâm niên trong ngành BHNT đã có một đúc kết chua xót rằng “Chỉ thấy các doanh nghiệp BHNT thi đua khen thưởng hợp đồng mới, doanh thu phí cao, mà không thấy giải thưởng tỷ lệ duy trì hợp đồng, hay tỷ lệ khách hàng hài lòng với dịch vụ tư vấn”. Có những trường hợp vừa được Bộ Tài chính thông báo kết quả thi sát hạch, thì doanh nghiệp treo giải thưởng trong vòng 72 giờ có hợp đồng.
Nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung vào khai thác mới mà ít quan tâm đến tỷ lệ duy trì hợp đồng, dù biết rằng việc hủy hợp đồng trong những năm đầu là thiệt hại mà người tham gia bảo hiểm phải gánh chịu. Các doanh nghiệp mạnh tay chi cho các hợp đồng khai thác mới, tỷ lệ hoa hồng và khen thưởng tập trung vào phí bảo hiểm của năm đầu tiên nên giá trị hoàn lại của các hợp đồng bảo hiểm ở những năm đầu là rất thấp.
Quả bóng trong chân của cơ quan quản lý
Chúng ta đều biết rằng mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận và tăng trưởng, nhưng trường hợp ở thị trường BHNT Việt Nam còn là lợi ích của các lãnh đạo doanh nghiệp, vì họ có nhiệm kỳ và phần lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ kéo dài chục năm hoặc dài hơn nhưng nhiệm kỳ của một CEO thường tối đa chỉ là 10 năm. Vì lương thưởng của họ phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng của doanh thu phí, chứ không phụ thuộc vào sự hài lòng của khách hàng hay sự phát triển bền vững của thị trường cho nên không thể đổ lỗi cho các quyết định của họ.
Về phía khách hàng thì BHNT vẫn là một sản phẩm tài chính phức tạp với nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Thậm chí với những người có trình độ và sống, làm việc ở các thành phố lớn thì các sản phẩm BHNT thế hệ mới cũng không phải dễ dàng để nắm bắt được. Vì vậy, đòi hỏi người dân tự mình phải nâng cao nhận thức hay kiến thức là một điều đi ngược với việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dịch vụ tài chính.
Do đó, trách nhiệm chính là ở các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Vai trò và trách nhiệm của hai cơ quan này, đặc biệt là Bộ Tài chính, là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, bền vững.
Mà muốn vậy thì cần tạo ra các hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi của người dân, hay phát triển thị trường bền vững. Cụ thể hơn là cần có những quy định trong việc phân phối các sản phẩm bảo hiểm và quy định về các điều khoản bất bình đẳng như cộng đồng châu Âu (EU) đã và đang làm: Directive (EU) 2016/97 và Directive (EU) 93/13/EEC.
TS. Võ Đình Trí