Vietstock - Tham vọng tăng doanh nghiệp tư nhân vốn tỉ USD
Mục tiêu của Bộ KH-ĐT là đến năm 2025 sẽ có 15 doanh nghiệp tư nhân có vốn hóa trên 1 tỉ USD/doanh nghiệp và năm 2030 là 20 doanh nghiệp.
Khi có những doanh nghiệp tư nhân “đầu đàn” sẽ giúp kéo các ngành nghề sản xuất lớn mạnh. Ảnh: Nguyên Nga
|
Với mục tiêu này, theo Bộ KH-ĐT, trong giai đoạn 2021 -2030, tốc độ tăng số doanh nghiệp (DN) hoạt động đạt khoảng 15% mỗi năm, tỷ lệ DN vừa và lớn chiếm khoảng 5 - 6% trong tổng số DN vào năm 2025 và phấn đấu đạt tỷ lệ 8% vào năm 2030.
Để đạt được chỉ tiêu trên, bộ này đưa ra mức tăng trưởng bình quân số lao động của DN từ nay đến năm 2030 đạt khoảng 6 - 8% mỗi năm; bình quân thu nhập của người lao động tăng khoảng 25 - 30% mỗi năm và theo đó bình quân mức đóng góp của DN vào ngân sách nhà nước tăng khoảng 23 - 25% mỗi năm.
Phát triển những doanh nghiệp “đầu đàn”
Những gì chúng ta làm sắp tới không phải là con số 15 DNTN có giá trị vốn hóa PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển DN |
Để phát triển DN tư nhân (DNTN) Việt Nam, Bộ KH-ĐT cho rằng, trước mắt cần tập trung vào một số nhóm giải pháp cụ thể như hỗ trợ DN sau tác động bởi dịch bệnh Covid-19, rồi phát triển DN có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong một số ngành, tạo cực tăng trưởng mới cho phát triển kinh tế... Ngoài ra, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, liên kết trong cộng đồng DN, tham gia chuỗi giá trị...
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định, các nhà kinh tế luôn quan tâm các chỉ tiêu về độ lớn của DN như giá trị vốn hóa, doanh thu, lợi nhuận thuần... Các chỉ tiêu này tương đối quan trọng, cần thiết và là cơ sở để đánh giá hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của DN trong một nền kinh tế hiện đại. Bởi các DNTN có giá trị vốn hóa cao thường phát triển đa ngành nghề, linh động, phù hợp với đòi hỏi của nền kinh tế thị trường hiện đại. Mỗi khi có những DNTN có giá trị vốn hóa lớn, sẽ tạo lực đẩy phát triển những DN tầm trung. Đây cũng là cơ sở để khu vực DN nhỏ và vừa dựa vào đó để phát triển. Thế nên, đưa ra mục tiêu số DNTN có vốn hóa tỷ USD, có thể hiểu họ là những đầu tàu, đóng vai trò dẫn dắt, tạo ra chuỗi sản xuất, liên kết trong tương lai gần.
Ở một góc nhìn khác, PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển DN, lại cho rằng chỉ tiêu đưa ra dựa vào số vốn hóa của DN trong khi giá trị vốn hóa phụ thuộc hoàn toàn và giá trị thị trường và người mua cổ phiếu. Thậm chí, nếu DNTN đó làm truyền thông tốt, giá trị vốn hóa của họ sau một đêm có thể tăng vọt. Thế nên, con số 15 hay 20 DNTN đạt giá trị vốn hóa 1 tỷ USD mang tính “khích lệ kinh tế tư nhân phát triển” nhiều hơn là mục tiêu DNTN Việt phát triển bền vững, lớn mạnh theo tinh thần Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị đề ra.
“DNTN Việt Nam trong mấy năm qua sau khi có Nghị quyết 35 đúng là tăng mạnh về số lượng lẫn quy mô. Đặc biệt, tinh thần khởi nghiệp cũng lan tỏa và trên cơ sở đó, nhiều mô hình kinh doanh mới mang tính cải tiến, đột phá đã phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, những gì chúng ta làm sắp tới không phải là con số 15 DNTN có giá trị vốn hóa 1 tỷ USD mà là xây dựng cộng đồng DN lớn mạnh, vững chãi về quy mô vốn lẫn sức khỏe có thể cạnh tranh tốt ra thị trường khu vực và thế giới. Điều đó mới quan trọng”, ông Nguyễn Mạnh Quân nhấn mạnh.
Cần có những chuỗi giá trị kinh tế tư nhân
Hiện trong nhóm 30 cổ phiếu có vốn hóa vượt mức 1 tỷ USD thì có 13 mã cổ phiếu thuộc DNTN. PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân phân tích, Việt Nam có hơn 5 triệu hộ kinh tế gia đình đang muốn chuyển đổi hoạt động mô hình sang DN, nhưng chính sách chỉ mới hỗ trợ họ tờ giấy phép, chưa thấy chính sách hỗ trợ họ để lớn mạnh bền vững thực sự. Khu vực DN nhỏ phát triển từ hộ kinh doanh lên vẫn còn đơn độc. Hoặc ngay với chiến lược đẩy mạnh khởi nghiệp trong tinh thần sáng tạo. Cả một vạn ý tưởng kinh doanh đưa ra, may lắm có 1 đề án khởi nghiệp thành công, số còn lại bỏ cuộc, tan rã. Một người thành công không thể bù nổi cho số thất bại. Thế nên, muốn đẩy mạnh phát triển khu vực DNTN bền vững, lớn mạnh đúng kỳ vọng của Bộ Chính trị và Chính phủ, mọi chính sách đưa ra phải nhắm đến đối tượng cụ thể hơn.
“Trong thời gian qua, các nền kinh tế vẫn chưa thực sự bình đẳng. Từ chính sách hỗ trợ, lãi suất, tiếp cận vốn vay... vẫn còn sự phân biệt rõ rệt. Ngay như tiếp cận chương trình hỗ trợ Covid-19 mới đây, DN nhà nước vẫn dễ tiếp cận nhiều ưu đãi hơn DNTN. Những vấn đề này cần thay đổi, cải cách mang tính đột phá nhiều hơn, có như vậy chúng ta mới có nhiều DNTN có giá trị vốn hóa không chỉ tỷ USD mà hàng chục tỷ USD vẫn có thể”. PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính |
“Thủ tướng nói “không bỏ ai lại phía sau” với hàm ý là không để DN kẻ thì thất bại, bỏ cuộc, người lớn mạnh đi trên con đường thênh thang của mình; mà là hỗ trợ, nâng đỡ thế nào để mọi người cùng đi, rất khác với chính sách “không bỏ ai lại phía sau” của các nước phương Tây là anh không thích, anh cứ ngồi lại, tôi đi. Thứ hai, sau tất cả những gì xảy ra từ đại dịch Covid-19 và cả 5 năm đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân, chúng ta cần rút ra bài học là không nên quá chú trọng, gắn một cá nhân nào đó để làm hình tượng cho DN nhỏ đi theo. Cần đánh giá sự nỗ lực để đi lên, cho dù bé nhỏ, cũng đáng trân trọng. Với quan điểm đó, tôi tin Chính phủ sẽ xây dựng được nền kinh tế tư nhân vững mạnh, trong đó có những hạt nhân là nòng cốt của nền kinh tế”, ông Quân nói.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, nền kinh tế tư nhân không nên đặt nặng con số bao nhiêu DNTN có giá trị vốn hóa lớn mà quan trọng là sự lớn mạnh đó có tồn tại được bền vững, lâu dài không. Bởi khi đã đưa mục tiêu, sẽ có những cuộc chạy đua, mà thực tế dạy cho chúng ta thấy, những cuộc chạy đua vào tốp này tốp nọ vô cùng nguy hiểm. Nếu không may, hôm nay vào tốp đầu, ngày mai “rớt” khỏi tốp, thì việc định lượng DN chỉ qua giá trị vốn hóa rõ ràng là không bền vững, nếu không nói hàm chứa quá nhiều bẫy.
Tuy nhiên theo ông Thịnh, khi nói đến giá trị vốn hóa DN, Bộ KH-ĐT chú trọng đến DN sản xuất. Nếu trong sản xuất có những DN là “con chim đầu đàn” sẽ tạo lực đẩy lớn để xây dựng nên chuỗi giá trị của nền kinh tế. Cần khuyến khích DNTN liên kết với các thành phần kinh tế khác, tạo ra chuỗi sản xuất kinh doanh từ hợp tác xã, hộ gia đình...
Ngoài ra, muốn có những chuỗi giá trị kinh tế tư nhân, chính sách cần đột phá. Theo đánh giá của các chuyên gia, trong giai đoạn vừa qua, phát triển trong kinh tế tư nhân có chuyển biến tốt. Song để đạt mục tiêu đề ra, vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình, có nhiều tỉ phú Việt hơn, Việt Nam cần xây dựng nhiều hơn chuỗi sản xuất thuần Việt. Nền kinh tế thị trường phải được phát triển đúng hướng, công bằng, bình đẳng chứ không phải dựa vào nhiệm vụ chính trị để làm.
Nguyên Nga