Mirae Asset cho rằng, áp lực từ lạm phát và tỷ giá đã tác động đến chính sách tiền tệ, kéo theo tăng trưởng tín dụng có thể chậm lại trongnăm 2023. Theo báo cáo chiến lược năm 2023 của Chứng khoán Mirae Asset (Masvn), các chuyên gia cho rằng, nới trần hạn mức tăng trưởng tín dụng mới vào cuối quý 3/2022, dẫn đến tăng trưởng tín dụng theo quý thấp.
Cụ thể, đến hết quý 3/2022, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 10,9% so với năm 2021, chỉ tăng 1,5% so với quý trước đó.
Bên cạnh đó, các yếu tố vĩ mô bất lợi gia tăng áp lực lên các ngân hàng yếu như trong 9T2022, tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng nhỏ không bắt kịp so với mặt bằng chung.
Đáng chú ý, Masvn cho rằng, kinh tế vĩ mô bất ổn và chi phí lãi vay tăng tác động giảm tăng trưởng tín dụng trong năm 2023.
Trước mắt, nền kinh tế VN đang phải đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát cao, chỉ số sản xuất thấp do nhu cầu xuất khẩu giảm, và đồng nội tệ suy yếu. Ở khía cạnh tích cực, thu hút FDI duy trì góp phần làm dịu tỷ giá hối đoái ở một mức độ nhất định.
Tuy nhiên, các biện pháp thắt chặt tiền tệ dự kiến sẽ không thay đổi trong ngắn hạn. Mặt khác, động thái tăng lãi suất điều hành hai lần tổng cộng 2 điểm %, khả năng tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới vẫn đang bỏ ngõ, và triển vọng kinh tế chưa quả quan khuyến khích cả doanh nghiệp lẫn cá nhân giảm đòn bẩy tài chính, đặc biệt là vay nợ cho các nhu cầu như mở rộng kinh doanh hay mua sắn tài sản.
Dù vậy, trong ngắn hạn, cho vay cá nhân sẽ là động lực cho tăng trưởng tín dụng. Do các bất ổn về kinh tế vĩ mô cũng như áp lực lạm phát, một bộ phận lớn cư dân sẽ có xu hướng hạn chế chi tiêu và tăng tiết kiệm cũng như tìm kiếm kênh đầu tư an toàn dài hạn.
Thêm vào đó, các ngân hàng cũng đang nỗ lực giảm thiểu rủi ro tập trung. Vì vậy, kênh tín dụng bán lẻ vẫn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng tín dụng trong năm 2023.