Tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và chống dịch: Tìm điểm cân bằng đúng

Ngày đăng 03:00 17/10/2021
Tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và chống dịch: Tìm điểm cân bằng đúng
PFE
-

Vietstock - Tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và chống dịch: Tìm điểm cân bằng đúng

Trong hơn 40 báo cáo kinh tế và phân tích đầu tư tôi đọc trong những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10, có một điểm chung là lạm phát được nêu lên như một trong những rủi ro chính của năm 2022. Với đa số những người nước ngoài quan tâm tới triển vọng kinh tế Việt Nam mà tôi nói chuyện, trong đó có không ít nhân sự chủ chốt của công ty nước ngoài, câu hỏi phổ biến nhất là “bạn nghĩ gì về khả năng lạm phát cao ở Việt Nam trong năm 2022?”.

Nỗi lo lạm phát

Nếu bạn mở các trang báo kinh tế tài chính ở nước ngoài ra vào những ngày này, khả năng cao là bạn sẽ tìm ra trên trang đầu sẽ có một bài bình luận về lạm phát. Twitter của những chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới mà tôi theo dõi đều có ít nhất một dòng bình luận về lạm phát, chi phí tăng hay lương tăng.

Các ngân hàng trung ương (NHTƯ), bao gồm cả Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), cũng bắt đầu thừa nhận lạm phát sẽ kéo dài hơn dự đoán hồi đầu năm. Một số NHTƯ như NHTƯ Anh đang tính tới phải tăng lãi suất sớm hơn dự đoán để kềm chế lạm phát bất chấp tăng trưởng kinh tế có thể thấp hơn dự đoán do những đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu và tình trạng thiếu hụt nhiên liệu và năng lượng ở nước này.

Khi mùa báo cáo lợi nhuận của các công ty niêm yết ở nước ngoài đang đến, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu đưa ra các cảnh báo về khả năng lợi nhuận sụt giảm do chi phí tăng (bao gồm cả chi phí nhiên liệu và lương), và đứt gãy chuỗi sản xuất khiến cho doanh thu và lợi nhuận có thể không đạt như kế hoạch. Việt Nam đang dần mở cửa trở lại nền kinh tế, vì vậy nỗi lo lạm phát tăng mạnh hơn dự đoán như ở các nước là điều không có gì đáng ngạc nhiên.

Tuy nhiên, xét về tình hình hiện nay ở Việt Nam thì câu chuyện lại khác đi ở điều kiện hiện tại. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2021 giảm 0,62% so với tháng trước. Tính chung chín tháng năm 2021, CPI chỉ tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Nguyên nhân chủ yếu được cho là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội thì giá thuê nhà giảm, tiền điện giảm, học phí năm học 2021-2022 được miễn, giảm tại một số địa phương. Việc tăng trưởng của ngành bán lẻ trong chín tháng đầu năm sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước cũng góp phần khiến sức mua của nền kinh tế bị kềm chế. Một số khu vực như ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 23,18%, bán buôn và bán lẻ giảm 3,1%, vận tải kho bãi giảm 7,79%.

Những điều này khiến lạm phát trong chín tháng đầu năm thấp và nhiều khả năng tình trạng này sẽ tiếp tục trong ba tháng cuối năm 2021 vì tình hình mở cửa nền kinh tế ở tình trạng khá thận trọng, có thể nói là chỉ mở “he hé”. Việc lúc đầu Hà Nội và một số địa phương yêu cầu người đến từ TPHCM phải có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19, và ngay cả như vậy vẫn cần phải cách ly tập trung và phải tự trả chi phí cách ly cũng như chi phí xét nghiệm đã cho thấy tuy ngoài mặt nói “mở cửa” nhưng thật tâm thì tâm lý zero Covid vẫn ngự trị ở các địa phương.

Điều này cộng với việc Việt Nam chi ra gói hỗ trợ kinh tế thấp hơn đa số các nước trong khu vực và thế giới nên khả năng tình trạng nhu cầu bị đè nén bùng mạnh trở lại sau khi mở cửa kinh tế như ở một số nước châu Âu và Mỹ sẽ không cao.

Việc thận trọng với mở cửa di chuyển, du lịch trong nước và chỉ hy vọng mở cửa với du khách quốc tế từ giữa năm 2022 sẽ khiến nhu cầu chi tiêu ở Việt Nam bị giới hạn mạnh trong nửa đầu năm 2022. Vì vậy, nhiều khả năng lạm phát ở Việt Nam cho đến nửa đầu năm 2022 vẫn trong tầm kiểm soát và không cao.

Kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% trong giai đoạn nửa đầu năm 2022 là không khó, và ẩn số chỉ nằm ở nửa cuối năm 2022, đặc biệt là khi các gói chi đầu tư công và kích thích kinh tế có thể khởi động tốt hơn từ nửa đầu năm. Dù có như vậy thì lạm phát nếu có tăng mạnh cũng không thể quá cao, mà chỉ là cao hơn bình quân của vài năm trở lại đây.

Tăng trưởng kinh tế: cần một gói hỗ trợ kinh tế để bù đắp cho chiến lược mở cửa từng bước và cần một chiến lược tiêm vaccine khôn ngoan hơn

Với những thông tin từ dự thảo “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, có thể thấy chiến lược chống dịch vẫn tập trung vào giảm thiểu số ca bệnh khi mà chỉ tiêu số ca mắc mới tại cộng đồng 100.000 người/tuần vẫn nằm trong tiêu chí đánh giá cấp độ dịch thay vì tiêu chí về tỷ lệ tử vong và cần chăm sóc y tế đặc biệt như một số nước đã gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội từ nhiều tháng qua.

Điều này có thể hiểu được vì với tỷ lệ tiêm vaccine thấp, Việt Nam không dám mạo hiểm và chính quyền đang cố gắng tìm điểm cân bằng giữa mở cửa kinh tế và khống chế dịch bệnh. Tuy nhiên, điều này đặt ra rủi ro là một số địa phương có thể kiểm soát dịch quá chặt và cực đoan, dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng dài hạn và do đó khiến các đơn hàng sản xuất cũng như hoạt động dịch vụ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi.

Nếu đây là điều sẽ diễn ra trong năm 2022, thì tăng trưởng kinh tế có thể không được lạc quan như một số dự báo, chẳng hạn Ngân hàng DBS đã dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 8% trong năm 2022. Dự báo tăng trưởng ở mức 6,5% như ADB có lẽ là khả thi hơn nhưng vẫn còn nhiều thử thách.

Để bù đắp cho chiến lược mở cửa từng phần đó cần phải có một gói kích thích kinh tế nhắm vào duy trì lại sinh kế cho những người tạm thời chưa kiếm được việc làm, bị giãn, giảm việc, giảm chi phí và hoãn thuế dài hạn hơn cho doanh nghiệp cũng như hỗ trợ các khoản vay lãi suất ưu đãi.

Với kinh nghiệm của nhiều nước, đây phải là những khoản chi có nguồn gốc từ ngân sách chứ không thể dựa vào chính sách tiền tệ vì tính truyền động kém của chính sách tiền tệ trong giai đoạn dịch bệnh khi ngân hàng ngần ngại cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh. Chẳng hạn, GS. Nguyễn Thiện Nhân (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM), vừa đề nghị nên tăng nợ công thêm khoảng 6,5% GDP, tương đương 22 tỉ đô la Mỹ, để có nguồn hỗ trợ người dân.

Đây là một cách làm tìm điểm cân bằng đúng (finding the right balance), chứ không lệch về một hướng hoặc mở bung cửa nền kinh tế hoặc cố thủ đóng cửa phong tỏa. Ta mở được tối đa có thể theo cố vấn của các chuyên gia y tế, nhưng phần không mở được thì phải được hỗ trợ từ ngân sách để nuôi dưỡng nguồn thu chứ không phải giáo điều áp dụng tư tưởng “cho chết hẳn” để “phá hủy sáng tạo” theo sách vở.

Điều quan trọng là không thể chỉ cứu một vài doanh nghiệp lớn trong khi mạng lưới doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh là suối nguồn sinh lực của nền kinh tế bị bỏ rơi. Các doanh nghiệp lớn sẽ vận hành thế nào khi mạng lưới doanh nghiệp phụ trợ của họ đổ vỡ?

Cách hỗ trợ tốt nhất với doanh nghiệp còn có thể hoạt động là cố gắng giảm thiểu các chi phí không cần thiết, đầu tư hạ tầng để giảm chi phí cho họ, tránh việc chi phí sản phẩm vận chuyển từ Trung Quốc về TPHCM rẻ hơn từ Đà Lạt về TPHCM. Làm được như vậy thì không chỉ mở đường cho hồi phục kinh tế nhanh hơn, sống chung với virus tốt hơn mà còn mở ra động lực tăng trưởng dài hạn cho Việt Nam.

Cuối cùng, còn một câu chuyện đó là câu chuyện vaccine. Kinh nghiệm ở các nước cho thấy vấn đề không nằm ở bao nhiêu phần trăm dân được tiêm vaccine mà là bao nhiêu người cao tuổi và bệnh nền tiêm đủ. Với tỷ lệ 80-90% người tiêm đủ hai mũi mà vẫn có số ca bệnh tăng mạnh, thì vấn đề là bảo vệ những người có rủi ro cao, đảm bảo nếu họ không may bị nhiễm bệnh thì vẫn được sự bảo vệ của vaccine để bệnh ít trở nặng.

Đây là điều mà các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp cần lưu ý để có chính sách tiêm vaccine đúng đắn. Một điều nữa là những công bố của Pfizer (NYSE:PFE) gần đây cho thấy nhiều khả năng cần tiêm mũi 3 bổ sung và có thể mỗi năm đều cần tiêm vaccine Covid-19. Nếu như vậy, sự phụ thuộc vào lượng vaccine khan hiếm của nước ngoài là không bền vững mà Việt Nam cần phải thúc đẩy nhanh hơn việc phát triển vaccine của Việt Nam. Tự chủ vaccine mới là con đường đảm bảo đủ vaccine bền vững. Có đủ vaccine thì người dân và một số lãnh đạo mới yên tâm sống bình thường với virus được.

(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh

Hồ Quốc Tuấn

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2025 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.