Vietstock - Sẽ còn một đợt nới room tín dụng?
Ở chỉ tiêu tăng trưởng phân bổ thêm cho các ngân hàng trong đợt điều chỉnh đầu tháng 9, nhà băng cao nhất cũng chỉ được nới thêm 4%, một số ngân hàng chỉ từ 2-3% và nhiều nhà băng dưới 1%, thấp hơn đáng kể dư địa 5% còn lại dành cho toàn ngành. Điều này cho thấy vẫn còn dư địa để phân bổ thêm chỉ tiêu tăng trưởng cho các ngân hàng trong thời gian còn lại của năm nay.
Phân hóa
Sau bao ngày chờ đợi, các ngân hàng vào tuần trước đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2022. Theo một số thông tin cho thấy Sacombank (HM:STB) được tăng trưởng thêm 4%, Agribank 3.5%, HDBank (HM:HDB) 3.4%, MB 3.2%, OCB 3.1%, VIB (HM:VIB) 3%, Vietcombank (HM:VCB) và Techcombank (HM:TCB) cùng được cấp thêm 2.7%. Một số ngân hàng khác cũng được nới room nhưng ở mức thấp chỉ từ 0.7-1%.
Thứ nhất, đánh giá sơ bộ cho thấy chỉ tiêu phân bổ tăng thêm nói trên là khá thấp so với kỳ vọng, do đó thị trường đón nhận không mấy tích cực. Thực tế một số lãnh đạo, cán bộ nhân viên ngân hàng cũng cho rằng hạn mức cho vay tăng thêm không nhiều so với nhu cầu vay vốn hiện nay của khách hàng, đặc biệt là doanh nghiệp khi đang bắt đầu bước vào mùa cao điểm sản xuất kinh doanh cuối năm.
Với số dư nợ được tăng thêm ít ỏi như vậy, các ngân hàng vẫn đang phải “nhìn trước ngó sau”, cân đo đong đếm và chỉ ưu tiên giải ngân cho các khách hàng đã được chấp thuận vay vốn trước đây hoặc có sẵn hạn mức tín dụng chưa sử dụng hết, hoặc lựa chọn giải ngân khoảng 30-50% số tiền khách cần vay, đồng thời tiếp tục tăng cường thu hồi nợ, nhất là các khoản nợ có vấn đề để có thêm dư địa cho vay mới.
Thứ hai, kết quả phân bổ nói trên cũng cho thấy có sự phân hóa đáng kể giữa các ngân hàng, trong đó các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc như HDBank, MB, Vietcombank được phân bổ cao hơn so với mặt bằng chung, dù kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm của các nhà băng cũng khá vượt trội so với tổng thể. Với hạn mức được phân bổ thêm, cả 3 ngân hàng này đang tạm thời được giao mục tiêu tăng trưởng cao nhất trong hệ thống trong năm nay ở con số xấp xỉ 18%.
Theo NHNN chia sẻ, tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng tổ chức tín dụng cũng dựa trên cơ sở: Kết quả xếp hạng từng tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư 52 (đã được sửa đổi, bổ sung); xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như tổ chức tín dụng tham gia hỗ trợ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...
Còn theo đánh giá của CTCK SSI (HM:SSI), so với tăng trưởng tín dụng được ghi nhận trong năm 2021, hạn mức tín dụng mới trong năm 2022 có cho thấy sự phân hóa giữa nhóm ngân hàng TMCP Nhà nước (không có nhiều thay đổi so với năm 2021) và nhóm ngân hàng TMCP (thấp hơn nhiều so với năm 2021). Điều này cho thấy mục tiêu của NHNN là hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt tín dụng lĩnh vực rủi ro cũng như điều tiết dòng tiền để kiểm soát được mục tiêu lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, khi trên thực tế, tỷ trọng cho vay các lĩnh vực rủi ro như cho vay kinh doanh bất động sản hay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp từ các ngân hàng TMCP Nhà nước thấp hơn nhiều so với các ngân hàng TMCP.
Vừa điều chỉnh vừa quan sát?
Số liệu gần nhất được công bố cho thấy tăng trưởng tín dụng đến ngày 26/8 đạt 9.91% so với đầu năm. Với kế hoạch tăng trưởng toàn ngành giữ nguyên ở 14% cho năm nay, dư địa tăng trưởng toàn ngành còn 5% trong 4 tháng cuối năm, tức bình quân mỗi tháng có thể tăng thêm 1.25%. Tính theo số tuyệt đối là hơn 427,000 tỷ đồng trong 4 tháng, bình quân mỗi tháng chưa đến 107,000 tỷ đồng, con số không phải là cao so với mức bình quân tăng thêm trong 8 tháng đầu năm nay.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là ở chỉ tiêu tăng trưởng phân bổ thêm cho các ngân hàng trong đợt điều chỉnh đầu tháng 9, nhà băng cao nhất cũng chỉ được nới thêm 4%, một số ngân hàng chỉ từ 2-3% và nhiều nhà băng dưới 1%, thấp hơn đáng kể dư địa 5% còn lại dành cho toàn ngành. Điều này cho thấy vẫn còn dư địa để phân bổ thêm chỉ tiêu tăng trưởng cho các ngân hàng trong thời gian còn lại của năm nay. Nói cách khác, NHNN có thể còn thêm đợt tiếp tục nới room tín dụng cho các ngân hàng để sử dụng hết dư địa 5% còn lại này nhằm hoàn thành mục tiêu 14%.
Do đó, đợt điều chỉnh khiêm tốn vừa qua cho thấy nhà điều hành có lẽ đang phải vừa phóng tay điều chỉnh một cách thận trọng vừa quan sát diễn biến nền kinh tế, đặc biệt là xu hướng lạm phát và lãi suất. Nhiều ý kiến cho rằng áp lực lạm phát có thể tăng trở lại trong giai đoạn cuối năm, nhất là trước dự báo giá dầu thế giới có thể tăng trở lại trong thời gian tới, khi các nước thuộc nhóm OPEC+ có thể hạn chế nguồn cung để ngăn đà giảm của giá dầu mà có thể ảnh hưởng đến nguồn thu của các nước này.
Việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ mới công bố bất ngờ tăng vượt dự báo cho thấy lạm phát tại nền kinh tế số 1 thế giới vẫn chưa lập đỉnh, dù giá xăng liên tục suy giảm trong suốt thời gian qua, cho thấy bài toán lạm phát vẫn là một ẩn số trên toàn cầu. Đối với Việt Nam, ngoài nỗi lo giá năng lượng có thể tăng trở lại, những thông tin gần đây cho thấy giá thịt heo Trung Quốc đang tăng mạnh trong 2 tháng gần đây cũng mang lại nỗi lo có thể ảnh hưởng đến giá thịt heo trong nước nói riêng và giá các loại lương thực thực phẩm nói chung, nhất là khi nguy cơ khủng hoảng lương thực trên toàn cầu vẫn còn đó.
Ngoài ra, với xu hướng lãi suất vẫn đang duy trì đà đi lên, nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng khung lãi suất tiền gửi ngay từ đầu tháng 9 này, nhà điều hành cũng cần cân nhắc vì việc nới room mạnh tay ngay tại một thời điểm có thể gây áp lực lớn lên lãi suất nhất thời và khiến các ngân hàng có thể chạy đua lãi suất để tăng cường vốn đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng mới được phân bổ thêm.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh chương trình hỗ trợ lãi suất 2% vẫn đang triển khai chưa thật sự hiệu quả, nguồn vốn giải ngân dành quá khiêm tốn so với mục tiêu và quy mô chương trình đặt ra, không loại trừ khả năng NHNN sẽ xem xét các ngân hàng có thật sự triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất với phần tín dụng mới được mở thêm hay không, từ đó làm căn cứ cho đợt phân bổ còn lại trong năm nay.
Ngược lại, vẫn có những đề xuất cho rằng tăng trưởng tín dụng nên tiếp tục được nới thêm 1-2% từ mục tiêu 14% như hiện nay và không cần quá lo lắng với vấn đề lạm phát vì lạm phát ở nước ta chủ yếu do nguyên nhân chi phí đẩy. Hoặc thậm chí cho rằng NHNN sớm bỏ hạn mức tín dụng vì chức năng của ngân hàng là cần phải đảm bảo nhu cầu vốn chính đáng cho nền kinh tế.
Dù vậy, với tỷ lệ Tín dụng/GDP của Việt Nam đến cuối năm 2021 đã đạt 124%, mà theo IMF và WB thuộc hàng cao nhất thế giới so với các nước có điều kiện phát triển tương đồng, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng cảnh báo Việt Nam về rủi ro tài chính – ngân hàng, nên dễ hiểu vì sao NHNN vẫn kiên định với mục tiêu 14% và chính sách phân bổ tín dụng.
Thực tế theo người đứng đầu NHNN, đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là vốn đầu tư phụ thuộc lớn vào nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng. Và chính vì vì tỷ lệ tín dụng/ GDP cao như vậy, nên khi có biến động trên thế giới, doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh sẽ ảnh hưởng ngay tới hệ thống ngân hàng. Do đó, việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng là cần thiết bởi nếu như ngân hàng gặp vấn đề, mất khả năng chi trả sẽ gây hệ lụy tới nền kinh tế.
Với xu hướng lãi suất vẫn đang duy trì đà đi lên, nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng khung lãi suất tiền gửi ngay từ đầu tháng 9 này, nhà điều hành cũng cần cân nhắc vì việc nới room mạnh tay ngay tại một thời điểm có thể gây áp lực lớn lên lãi suất nhất thời và khiến các ngân hàng có thể chạy đua lãi suất để tăng cường vốn đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng mới được phân bổ thêm. |
Nhung Võ