Vietstock - Sẽ có hàng chục tỷ đô cho sàn giao dịch hàng hóa Việt
Việt Nam là nước xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản trên thế giới, tuy nhiên chúng ta chưa có Sở Giao dịch hàng hoá thực sự hiệu quả.
Sở Giao dịch hàng hoá thực sự hiệu quả sẽ giúp cho chúng ta có thể điều tiết được thị trường, tối ưu hoá lợi thế, tránh bị ép giá khi được mùa vụ và giá cao khi mất mùa...
|
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy việc kinh doanh buôn bán, trao đổi hàng hoá nói chung và nông sản nói riêng rất hiệu quả và giúp chúng ta phát huy được lợi thế về cung hàng để không bị đối tác nước ngoài ép giá của các mặt hàng nông sản, khuyến khích được nhiều thành phần và nhiều người tham gia vào quá trình buôn bán và đặc biệt là huy động được số tiền lớn cho hoạt động kinh doanh. Nhưng tại sao đến hiện tại chúng ta chưa làm được đó?
Đi tìm nguyên nhân
Việt Nam đã có quy định về hoạt động giao dịch mua bán hàng hóa từ năm 2006. Đồng thời có các Sở Giao dịch (SGD) hàng hóa được thành lập từ 2011. Tuy nhiên các Sở thuở đầu đều giao dịch hạn chế, chưa liên thông quốc tế. Ngay cả SGD hàng hóa Việt Nam (MXV) hiện đang hoạt động theo hướng liên thông với các SGD hàng hóa nước ngoài và đã cơ bản hình thành bộ chỉ số hàng hóa MXV riêng, nhưng cũng chưa phát huy được vai trò của một Sàn giao dịch hàng hoá thực sự, chưa giúp Việt Nam phát huy được lợi thế là nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới ở một số mặt hàng nông sản chủ lực.
Nếu được thành lập và điều hành hiệu quả, với lợi thế nông sản Việt, chúng ta có thể thu hút hàng chục hay vài chục tỷ USD giao dịch nông sản trên SGD hàng hóa. |
Nguyên nhân cơ bản là các hình thức thanh toán theo quy định hay hình thức thực hiện giao nhận hàng hóa vật chất hiện vẫn chỉ đang được áp dụng hạn chế cho một số hợp đồng tương lai, chưa tiệm cận thông lệ quốc tế.
Hai là việc phối hợp quản lý giữa Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước trong việc tạo khung pháp lý đồng bộ cả về hàng thực, về các loại hình sản phẩm giao dịch hợp đồng phái sinh trên sàn, về phương thức thanh toán… cũng có hạn chế, nhất là thị trường mở ra không gắn với hàng thật – với lợi thế sẵn có về nông sản của Việt Nam.
Kiến nghị và giải pháp
Trước hết, cần phải xem thị trường giao dịch hàng hóa như thị trường chứng khoán. Theo đó, để có được Sở giao dịch hàng hoá thực sự thì cần một platform/1 sàn để giao dịch và quan trọng thu hút được người mua và người bán nhộn nhịp. Nhưng khác thị trường chứng khoán là Sở Giao dịch hàng hoá cần đối ứng với hàng thật.
Những giải pháp cụ thể cần gắn trên quan điểm này và trên mục tiêu phát huy lợi thế nông sản Việt Nam, làm chủ giá cả hàng hóa.
Một là, cần có platform chuẩn và tiện lợi để các nhà kinh doanh buôn bán hoạt động trên đó gọi là người mua và người bán cùng với các quy định chặt chẽ của hoạt động như TTCK, yếu tố công bằng và minh bạch, chuyên nghiệp, uy tín là vô cùng quan trọng.
Hai là, phải có các kho bãi chuẩn mực, chất lượng để người kinh doanh có thể yên tâm đưa hàng vào đó, gửi hàng vào đó và chốt trên Sở giao dịch hàng hoá.
Ba là, cần xây dựng đội ngũ lành nghề về chất lượng (KCS) kiểm soát đầu vào 1 cách chuyên nghiệp.
Bốn là, cần đào tạo và phát triền nguồn nhân lực quản trị kho bãi hàng hoá chuyên nghiệp.
Năm là, các sản phẩm ở SGD Hàng hoá của chúng ta phải có tiêu chuẩn tương đồng với các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu trên thế giới.
Triển khai được những giải pháp đã nêu, chúng ta sẽ khắc phục được những nguyên nhân căn bản ở trên cũng như thực tế của giao dịch hiện tại với: platform chưa chuẩn; thiếu công bằng minh bạch; thiếu hệ thống kho bãi có chất lượng, độ tin cậy - uy tín - độ trung thực của các đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm soát kho bãi chưa cao; việc kiểm soát chất lượng đầu vào sản phẩm còn nhiều bất cập và chưa thực sự tạo được niềm tin vững chắc cho nhà đầu tư giao dịch mua bán kinh doanh trên sàn.
Những giải pháp một khi được xử lý đồng bộ và đầy đủ, tin rằng một sàn giao dịch hàng hóa đúng nghĩa sẽ được vận hành và từ đó, sẽ có cơ hội huy động được một nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư - kinh doanh trong và ngoài nước tham gia vào thị trường, giúp cho chúng ta có thể điều tiết được hiệu quả hơn thị trường, tối ưu hoá được lợi thế của nước sản xuất và xuất khẩu lớn, tránh để bị ép giá khi được mùa vụ và giá cao khi mất mùa... Điều này sẽ tạo nguồn lực hỗ trợ cho hệ thống hàng hóa và tạo thế đứng độc lập cho ngành nông sản Việt Nam.
Khi có SGD hàng hoá thực sự và nếu điều hành hiệu quả thì chúng ta sẽ ít phụ thuộc hơn vào các sàn giao dịch thế giới. Nó không chỉ giúp chúng ta ổn định về giá mà còn giúp thúc đẩy sự phát triển vững cho những mặt hàng đến những ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế.
Ấn Độ đã thành công trong kế hoạch này và với lợi thế nông sản Việt, chúng ta thậm chí có thể làm tốt hơn, thu hút hàng chục hay vài chục tỷ USD giao dịch nông sản chứ không chỉ một vài tỷ đô.
PHAN MINH THÔNG - Chủ tịch Phúc Sinh Group & ĐỖ NGỌC QUỲNH - Tổng Thư ký VBMA