Vietstock - Áp dụng thuế tối thiểu doanh nghiệp toàn cầu, Việt Nam có bị tác động?
Áp dụng thuế tối thiểu doanh nghiệp toàn cầu đang được đánh giá tạo ra những tác động lớn đến môi trường đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới.
“Cuộc chơi” của các nước lớn, tác động đến Việt Nam
Quy tắc thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) với hơn 140 quốc gia tham gia, trong đó có Việt Nam, mục đích là nhằm thu hẹp các lỗ hổng trong quản lý thuế quốc tế.
Thoả thuận cải cách thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu đã đạt được đồng thuận của các nước thành viên OECD, nhóm G20 và G7. Đã có 137/141 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên của BEPS đã đạt thoả thuận khung về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam.
Với thoả thuận này, các công ty đa quốc gia có hoạt động đầu tư tại Việt Nam phải chịu tác động Quy tắc về thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu (trụ cột 2), dự kiến áp dụng vào năm 2023. Cụ thể, doanh nghiệp FDI có doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên đều phải đóng thuế ở mức 15%.
Quy tắc thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) với hơn 140 quốc gia tham gia, trong đó có Việt Nam
|
Phát biểu tại hội thảo “Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam” diễn ra vào sáng nay (ngày 14/6), nhiều ý kiến cho rằng, quy định thuế tối thiểu doanh nghiệp toàn cầu xuất phát từ nhóm G20 và nó là “cuộc chơi” của các quốc gia phát triển, mang lại lợi ích cho các quốc gia xuất khẩu vốn hơn là các quốc gia nhập khẩu vốn như Việt Nam. Bởi khi đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn nộp thuế cho nước tiếp nhận đầu tư, hoặc có thể lựa chọn nộp thuế cho quốc gia mà công ty mẹ đặt trụ sở chính đi đầu tư. Điều này sẽ tác động đến thu ngân sách của Việt Nam đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, ưu đãi thuế cũng là một trong những lợi thế mà Việt Nam đang sử dụng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, hiện Việt Nam đang áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp là 20 năm, cao hơn mức thuế tối thiểu đề xuất. Tuy nhiên, Việt Nam đang dành nhiều mức ưu đãi thuế cho các dự án đầu tư nước ngoài, như: Ưu đãi thuế suất 5%, 10% lên đến 15%; miễn giảm thuế có thời hạn (tối đa 9 năm)… nên nếu mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu được áp dụng, thì những ưu đãi này đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ không còn.
Trong khi đó, theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện khu vực FDI đang đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của Việt Nam, với khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp; 70% giá trị kim ngạch xuất khẩu và kèm theo nhiều yếu tố về việc làm…
Các chuyên gia kinh tế nhận định, bên cạnh việc có thể thất thu thuế với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, áp dụng thuế tối thiểu doanh nghiệp toàn cầu có thể sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam trong thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ tác động đến môi trường đầu tư Việt Nam
|
Làm gì để giảm thiểu tác động bất lợi?
Mặc dù bên cạnh những tác động bất lợi, phát biểu tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, việc áp dụng thuế tối thiểu doanh nghiệp toàn cầu ở một góc độ nào đó cũng mang lại những tác động tích cực cho Việt Nam, nhất là trong việc hoàn thiện thể chế.
Bởi nhìn ở góc độ tích cực, việc áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu tránh được các quốc gia đưa ra những “cạnh tranh về đáy” thuế suất ưu đãi trong thu hút đầu tư nước ngoài, bởi, cùng với đó tăng tính minh bạch trong thu hút đầu tư giữa các quốc gia. Việc áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu cũng thể hiện tinh thần chủ động của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế, nếu chúng ta ứng phó tốt, sẽ cho thấy sự “dám chơi, biết chơi và khéo chơi” của Việt Nam trong thu hút đầu tư.
Đặc biệt theo ông Võ Trí Thành, hãy coi việc thực hiện thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu cũng giống như Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, đây cũng chính là “áp lực” để Việt Nam cải thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới.
PGS (HN:PGS), TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì cho rằng: Việc tham gia triển khai thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ góp phần tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế nói riêng. Việc tích cực tham gia, thực hiện các công cụ, khuôn khổ pháp lý của OECD sẽ góp phần cải thiện hình ảnh của Việt Nam trong mắt các đối tác, nhà đầu tư quốc tế. Điều này sẽ giúp hoàn thiện khung pháp lý về thuế của Việt Nam nói riêng và thúc đẩy sửa đổi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng giảm ưu đãi về thuế và tăng cạnh tranh bằng môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực.
Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cũng góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá… của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Bởi theo báo cáo tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính của hơn 25.100 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào năm 2020 đến từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam thì có tới 14.100 doanh nghiệp khai báo lỗ, chiếm 56% tổng số doanh nghiệp, với tổng số lỗ của doanh nghiệp lên tới 151.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu cũng tạo ra những thách thức với môi trường kinh doanh của Việt Nam và cả những doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế của Việt Nam. Do đó, để giảm thiểu những tác động tiêu cực, Việt Nam cần có sự nghiên cứu, đánh giá chính xác về vấn đề trên. Trong đó, nhiều ý kiến đề xuất, Chính phủ cần thành lập Tổ công tác về vấn đề này, trong đó thành viên của Tổ công tác sẽ là đại diện của các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư,…
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng đã đồng ý thành lập Tổ công tác đặc biệt liên ngành gồm đại diện các bộ, ngành để xử lý các vấn đề liên quan tới thuế tối thiểu doanh nghiệp toàn cầu.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Chính sách thuế toàn cầu chưa có đánh giá rà soát, nhưng tác động khá mạnh mẽ đến phương thức Việt Nam đã và đang sử dụng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Kèm theo đó chúng ta có cả cơ hội, nếu tận dụng tốt sẽ tăng thu và buộc phải đa dạng hóa các biện pháp đầu tư. |
Nguyễn Hòa