Vietstock - Nới room tín dụng ít, cần khơi thông gấp thị trường trái phiếu
Trước việc hệ thống ngân hàng nới nhỏ giọt room tín dụng tuần qua, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan chức năng cần sớm có chính sách để khơi thông thị trường vốn (như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán) để “bơm” vốn cho doanh nghiệp, chứ không thể trông chờ vào tín dụng ngân hàng.
Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%. Đến cuối tháng 8/2022, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt gần 10%. Trước việc nhiều ngân hàng thương mại cạn room (hạn mức tín dụng), NHNN vừa tăng hạn mức tín dụng cho 15 ngân hàng thương mại với mức tăng 1-4%.
DN cần huy động vốn ở thị trường khác (ảnh minh họa) |
Theo TS Vũ Tiến Lộc (nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), Việt Nam đang phục hồi và phát triển nền kinh tế. Quá trình phục hồi của doanh nghiệp (DN) gian nan và đang rất cần tiếp sức nguồn vốn. Trong khi đó, các “van” của nguồn vốn đang gặp nhiều ách tắc. Nếu không khơi thông được dòng chảy nguồn vốn thì kết quả phục hồi rất khó được như kỳ vọng.
“Chính phủ đã có nhiều chính sách để giúp nền kinh tế nói chung và DN nói riêng phục hồi. NHNN cũng đã nới room cho ngân hàng nhưng chúng ta đang đứng trước sức ép của lạm phát, nên nới room không nhiều. Các nguồn cung ứng tín dụng vào nền kinh tế hạn chế so với nhu cầu về vốn. DN kỳ vọng vào van tín dụng khác cho nền kinh tế qua kênh chứng khoán, trái phiếu”, ông Lộc cho biết.
TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, NHNN và Chính phủ cẩn trọng để giữ ổn định kinh tế vĩ mô từ nay đến cuối năm và những năm sau. Do đó, theo ông Nghĩa, không nên nới room trong bối cảnh hiện nay. Nhu cầu vốn của nền kinh tế và DN căng thẳng trong khi ngân hàng thương mại có hợp đồng tín dụng chưa hoàn thành với lí do hết room. “Để giải “cơn khát” vốn, DN cần tìm đến các kênh khác như huy động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu”, ông Nghĩa nói.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) rất quan trọng, song đang gặp khó khăn. Số lượng DN phát hành TPDN giảm do chờ cơ quan chức năng sửa Nghị định 153. Tại tọa đàm Mục tiêu phát triển thị trường TPDN ngày 13/9, TS Trịnh Quang Anh - Chủ tịch Hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng Việt Nam cho rằng, quy mô thị trường vốn Việt Nam khoảng 11,5 triệu tỷ đồng. Trong đó, thị trường TPDN khoảng 40% GDP.
“Tín dụng năm 2022 khoảng 14% và hầu hết các ngân hàng đều đang cạn room. Điều này tạo cơ hội cho thị trường TPDN bởi DN không vay được vốn ngân hàng sẽ quay qua phát hành trái phiếu để huy động vốn”, ông Trịnh Quang Anh cho biết.
Theo TS Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương), thị trường TPDN là một mảnh ghép phát triển hơi chậm so với các thị trường vốn khác. Nhu cầu thị trường vô cùng lớn. Để tạo điều kiện cho thị trường TPDN phát triển, cần tiếp cận theo cách mới bằng việc xây dựng niềm tin, xây dựng các công cụ xử lý rủi ro. Cần có công cụ phù hợp với khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư”, ông Tú Anh kiến nghị.
Bất động sản gặp khó vì tiền không vào
Do mức nới room ít, chỉ tương đương với 200 ngàn tỷ tín dụng sẽ đi vào nền kinh tế và chủ yếu vào sản xuất nên dòng tiền sẽ khó vào bất động sản (BĐS).
Trước thời điểm có tin nới room chính thức, các nhà đầu tư trên thị trường BĐS đều nhấp nhổm. Nhiều dự án có kế hoạch được mở bán, hay tổ chức đấu giá tiếp buộc phải dừng lại “nghe ngóng” về dòng tiền. Việc giao dịch đất đai tại các thị trường ven đô, các dự án tại nhiều tỉnh thành cũng “khựng” lại. Bản thân các nhà đầu tư cũng “ngập ngừng” không dám xuống tiền, sợ cả vay ngân hàng vì lãi suất có xu hướng tăng mạnh. Với kết quả nới room thấp hoặc có ngân hàng không được nới, khách hàng sẽ không tiếp cận được nguồn vay .
Ngọc Linh - Ngọc Mai