Vietstock - Những tháng cuối năm, cơ hội và dư địa tăng trưởng kinh tế còn lớn
Mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm thấp hơn 0,58 điểm phần trăm so với kế hoạch, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn đề xuất giữ nguyên các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
* Bộ KH&ĐT xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2021
* Nghị quyết về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ mới ban hành có gì đặc biệt?
Ảnh minh họa
|
Sáu tháng đầu năm, nền kinh tế gặp nhiều thách thức với các đợt dịch COVID-19 bùng phát, cùng với đó giá các loại hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận tải, rủi ro về thương mại quốc tế gia tăng… Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế vẫn ghi nhận những kết quả khả quan với tốc độ tăng GDP sáu tháng tháng đạt 5,64%.
Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng này đã thấp hơn 0,58 điểm phần trăm so với kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP (6,22%) và mặc dù là áp lực rất lớn, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn đề xuất giữ nguyên các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ở mức cao nhất.
Kiên định với mục tiêu tăng trưởng
Cụ thể, kịch bản tăng trưởng kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng theo hướng tập trung kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ, duy trì sản xuất kinh doanh trong quý 3, tạo nền tảng để đẩy mạnh tăng trưởng trong quý 4 (do nhu cầu thường tăng cao vào thời điểm cuối năm), với hai kịch bản.
Kịch bản 1, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, quý 3 cần đạt mức tăng trưởng là 6,2% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,5 điểm phần trăm), quý 4 tăng 6,5% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,2 điểm phần trăm).
Kịch bản 2, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý 3 phải đạt mức tăng trưởng là 7% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,3 điểm phần trăm) và quý 4 tăng 7,5% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,8 điểm phần trăm).
Về tình hình chung, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá kinh tế trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đe dọa trực tiếp tới sản xuất công nghiệp ở các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng cộng thêm mùa mưa bão về cuối năm. Do đó, nhiệm vụ đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 là rất thách thức, đòi hỏi vừa kiểm soát tốt dịch COVID-19 vừa bảo đảm sản xuất, kinh doanh, có giải pháp hỗ trợ nền kinh tế.
Ngành công nghiệp chế tạo là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
|
Tuy vậy, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cũng tin tưởng về cơ hội và dư địa tăng trưởng kinh tế là còn lớn. Bởi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII mới được thông qua đã tạo khí thế mới, động lực mới. Các đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam đang phục hồi nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các khu vực trong nước.
Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ, du lịch có thể tạo sức bật lớn trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát đồng thời cân đối ngân sách Nhà nước được bảo đảm, một số chỉ số như CPI, thất nghiệp cho thấy còn dư địa để thực hiện chính sách hỗ trợ.
Về điều này, tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nhận định khá thận trọng và cho rằng những thách thức trước mắt cùng với diễn biễn dịch bệnh phức tạp thì kịch bản cơ sở tăng trưởng GDP cả năm có thể quanh ngưỡng 6,1%-6,3%.
"Các tổ chức quốc tế vẫn dự báo lạc quan GDP của Việt Nam tăng trưởng 7%, nhưng các đợt dịch vừa qua đã tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, khả năng đạt được mức 6,5% như mục tiêu Chính phủ đề ra là cực kỳ khó khăn, cố gắng đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra 6% là đã thành công,” ông Lực nhấn mạnh.
Đồng tình với đánh giá trên, tiến sỹ Võ Trí Thành cho rằng kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Về quá trình phục hồi, tiến sỹ Thành nhận định có phần lạc quan hơn khi cho rằng cũng giống như nền kinh tế thế giới, Việt Nam cũng phải đối mặt với những vấn đề về khan hiếm nguồn cung, nguyên liệu, sản phẩm, con chip… Mặt khác, năng lực logistics, vận tải, hạ tầng trong nước vẫn chưa đáp ứng được quá trình phục hồi kinh tế. Thêm nữa, các đợt dịch COVID-19 lần này còn ảnh hưởng đến trung tâm sản xuất lớn, như Bắc Giang, Bắc Ninh, nguy cơ đang hiện hữu ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai...
"Do đó, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, quá trình phục hồi vẫn đang tiếp tục và chúng ta hy vọng vào những điều tốt hơn sẽ xảy ra,” ông Thành nói.
Tìm cơ hội từ trong khó khăn
Theo tiến sỹ Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nhìn tổng thể mặc dù mức tăng GDP thấp hơn so với mục tiêu kế hoạch đề ra, song cần nhìn sâu hơn là để đạt con số GDP tăng 5,64%, một số ngành công nghiệp và xây dựng đã có sự tăng trưởng rất lớn, tính trung bình quân tăng 8,36%, trong đó ngành chế biến-chế tạo tăng trưởng đến 11,42%.
Một điểm đáng lưu ý nữa, đó là yếu tố dịch bệnh. Vị chuyên gia này cho rằng nền tảng của tăng trưởng có những điểm khác biệt. "Trước đó, các đợt dịch trong năm 2020 với hoạt động giãn cách xã hội đã gây đứt gãy các chuỗi cung-cầu đồng thời làm ngừng/đình trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng sang năm 2021, mặc dù dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành nhưng rất nhiều doanh nghiệp cho biết họ có đơn hàng và thậm chí tăng đơn hàng. Vấn đề khó khăn của họ là trong tổ chức sản xuất để đáp ứng các đơn hàng…” ông Hiếu phân tích.
Nhìn từ các con số thống kê, ông Hiếu chỉ ra những lĩnh vực kinh doanh tìm kiếm được cơ hội trong điều kiện bình thường mới, như trợ giúp y tế, giáo dục, đào tạo, vận tải kho bãi… Mặt khác, các lĩnh vực bị tác động cũng giảm đáng kể. Ông cho rằng các kết quả đạt được đang phản ánh “bức tranh” của sự tái cấu trúc các doanh nghiệp trên thị trường.
“Điều này phù hợp với các báo cáo đánh giá từ các tổ chức trong nước và quốc tế trong thời gian vừa qua. Việc tái cấu trúc đang giúp doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả hơn. Do đó, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ cho tiến trình này được diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn,” ông Hiếu nhấn mạnh.
Kiên định với các mục tiêu đề ra, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Nghị quyết nêu rõ 5 mục tiêu và chỉ ra 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trong Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ đồng thời tập trung kiểm soát, đẩy lùi dịch COVID-19, phấn đấu hoàn thành tiêm chủng đạt miễn dịch cộng đồng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải ngân vốn đầu tư công đạt 95%-100% kế hoạch cùng với giữ vững ổn định chính trị xã hội.
Trên cơ sở kiến nghị giữ nguyên các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất tiếp tục quyết liệt thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP và Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ.
“Bộ đã trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với các nội dung của Báo cáo và chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện 9 nội dung: Phòng, chống dịch bệnh; định hướng điều hành kinh tế vĩ mô; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu nền kinh tế; tập trung cắt giảm chi phí logistics, chi phí vận chuyển, cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành; giải ngân vốn đầu tư công; chủ động phòng chống, ứng phó với thiên tai, lũ lụt; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; xây dựng, lập, phê duyệt quy hoạch…” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.
Hạnh Nguyên