Vietstock - Những đại dự án thua lỗ hồi sinh
Sau khi thực hiện Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020, nhiều đại dự án thua lỗ được tái cơ cấu và đã “cựa quậy”, hồi sinh. Trong số đó, Nhà máy xơ sợi Đình Vũ bắt đầu có lợi nhuận, Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 sẽ phát điện tổ máy số 1 vào cuối tháng 4 và phấn đấu về đích trong năm 2022.
4 dự án thuộc PVN thoát “danh sách đen”
Kết thúc năm 2021, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, có 4 dự án trực thuộc tập đoàn được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án khó khăn, thua lỗ của ngành Công Thương, gồm: Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (thuộc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam - VNPOLY); 3 dự án nhiên liệu sinh học Dung Quất (DQS), Phú Thọ và Bình Phước.
Trong đó, VNPOLY đã vận hành toàn bộ 27 dây chuyền sản xuất sợi chất lượng sản phẩm tốt, doanh thu vượt kế hoạch, tạo việc làm, ổn định thu nhập cho 283 lao động. DQS có đơn hàng ổn định, chủ yếu với khách hàng ngoài ngành Dầu khí, doanh thu vượt 4% kế hoạch. Dự án NMNĐ Thái Bình 2 đã khởi động đốt lửa lò hơi phụ, đóng điện hệ thống nước làm mát, chạy thử nhiều hạng mục... tiến tới về đích đúng cam kết.
Khởi đầu cho thương hiệu từ “hai bàn tay trắng”, với muôn vàn nghi ngờ của dư luận, hơn 300 cán bộ, công nhân viên VNPOLY nỗ lực sản xuất và chính thức thoát khỏi danh sách 12 dự án khó khăn, yếu kém của ngành Công Thương vào cuối năm 2021.
Trước đây, từ việc chỉ sản xuất 3-5 sản phẩm sợi DTY, đến nay VNPOLY có thể cùng lúc sản xuất được gần 30 loại sản phẩm khác nhau (theo tiêu chuẩn của khách hàng). Đặc biệt, VNPOLY đã đưa sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa tái chế vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu của các hãng thời trang hàng đầu thế giới như ADIDAS, TARGET về tiêu chuẩn sản xuất xanh.
Bên cạnh việc đảm bảo an ninh và bảo dưỡng nhà máy, VNPOLY đã nỗ lực triển khai thực hiện hợp đồng gia công sợi DTY với Tổng Công ty Shinkong (SSFC) và các đối tác trong nước. Thực hiện đào tạo nhân lực sẵn sàng cho kế hoạch nâng công suất dây chuyền sản xuất sợi theo kế hoạch; xử lý quyết toán Dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ và tích cực xử lý các tồn tại trong những năm qua.
Năm 2021, VNPOLY tích cực nâng cao sản lượng sợi DTY thông qua việc nâng dần số dây chuyền sản xuất và từ tháng 11/2021 đã vận hành toàn bộ 27/27 dây chuyền gia công sợi DTY. Sản lượng ước thực hiện cả năm là 10.700 tấn, đạt 84% so với kế hoạch. Chất lượng sản phẩm sợi tái sinh bình quân đạt 91%, chất lượng tốt.
Sau khi vận hành ổn định, có lợi nhuận, VNPOLY đang có chính sách tuyển dụng kỹ sư đã được đào tạo chuyên ngành trở lại làm việc tại nhà máy. |
“Doanh thu sản xuất sợi DTY cả năm 2021 ước đạt 301 tỷ đồng (kế hoạch đặt ra là 98 tỷ đồng). Ngoài gia công cho đối tác, công ty tự sản xuất, kinh doanh sợi để tận dụng tối đa máy móc, thiết bị, tăng lợi nhuận để bù đắp một phần chi phí duy trì công ty. Lợi nhuận trước định phí ước thực hiện cả năm 2021 là 16 tỷ đồng. Năm 2021, VNPOLY đã mở rộng hợp tác sản xuất xơ PSF cho các khách hàng hiện hữu, kết quả đã ký kết lại 9/11 hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm với các đơn vị thuộc Vinatex (HN:VGT). VNPOLY hiện là đại lý tại Việt Nam của một số nhà sản xuất xơ lớn trên thế giới như: Xiangly, Hengyi…”, đại diện VNPOLY cho biết.
Từ một dự án thua lỗ, VNPOLY đã vươn lên, bước đầu hoạt động có lãi trong năm 2021. Trong ảnh, người lao động tại dây chuyền DTY |
Một cựu Phó Tổng giám đốc VNPOLY chia sẻ, khi được giao nhiệm vụ “cứu” nhà máy, nhiều người tỏ ra nghi ngại, và cho rằng, dự án khó có thể hoạt động có lợi nhuận. Thời điểm đó, dư luận nghi ngờ về hiệu quả hoạt động trở lại của nhà máy, nhiều nhân sự được đào tạo bài bản đã rời bỏ nhà máy.
“Thời điểm khó khăn, nhiều người quan ngại về sự hồi phục, sản xuất hiệu quả của dự án. Tôi là một trong những người được giao nhiệm vụ “giải cứu” nhà máy, cá nhân tôi tự tin với phương châm: “tìm đường sẽ thấy đường đi, cứ gõ cửa thì cửa sẽ mở”. Chiến lược đề ra là bằng mọi cách phải sống sót rồi mới có cơ chế, chính sách để đạt được hiệu quả bước đầu như hôm nay”, vị cựu lãnh đạo VNPOLY chia sẻ.
Nhiệt điện Thái Bình 2 về đích năm 2022
Dự án NMNĐ Thái Bình 2 sau nhiều năm dừng hoạt động, đến nay gần như đã hồi sinh và chạy thử nhiều hạng mục, hướng tới mục tiêu về đích đúng cam kết trong năm 2022. Cuối tháng 12/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng ban lãnh đạo PVN có buổi kiểm tra và giao ban tại Dự án NMNĐ Thái Bình 2. Đây là lần kiểm tra trực tiếp thứ 3 trong vòng 5 tháng cuối năm 2021 của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại công trường dự án nằm trên địa bàn xã Mỹ Lộc (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).
Theo ông Phạm Xuân Trường, Trưởng ban Quản lý dự án, hiện nay, dự án đã cơ bản bù được nhiều mốc tiến độ quan trọng. Tiến độ tổng thể đến nay đạt 87%, tiến độ thi công đạt 85%, tiến độ thiết kế đạt 100%... Hiện nay, có ngày, trên công trường dự án này, có tới 459 người được huy động làm việc.
“Hầu hết các hệ thống liên quan đến đốt lửa lần đầu đã hoàn thành lắp đặt, đang tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng và chạy thử. Các hệ thống hiện được đẩy nhanh tiến độ đáp ứng mục tiêu đốt than lần đầu. Các mốc tiến độ chính của dự án này gồm: Hòa lưới điện tổ máy số 1 vào ngày 19/5/2022, đốt than lần đầu vào ngày 16/6/2022 và phát điện thương mại tổ máy số 1 vào 30/11/2022, phát điện tổ máy số 2 vào 31/12/2022”, ông Trường cho biết.
Căn cứ tiến độ thực tế trên công trường, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu cần ưu tiên tối đa nhân lực, vốn, thiết bị để bảo đảm có thể hòa lưới tổ máy số 1 trước ngày 30/4, rút ngắn thêm hơn 1 tháng.
Dự án NMNĐ Thái Bình 2 có công suất 1.200 MW, tổng thầu EPC là Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC (HN:PVC)). Dự án chậm tiến độ do tổng thầu EPC trong quá trình triển khai dự án có một số sai phạm. Để “cứu” dự án NMNĐ Thái Bình 2, năm 2019, Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét báo cáo Thủ tướng chấp thuận, cho phép PVN sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu để giải ngân cho dự án với điều kiện không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh.
“Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước về sử dụng nguồn tiền này nhưng hãy bật đèn xanh cho chúng tôi đi... Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Bộ Công Thương về mặt kỹ thuật, chịu trách nhiệm trước Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước về nguồn vốn sử dụng. Nhưng hãy cho chúng tôi cơ chế để làm”, ông Thanh nói trước lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và Bộ Công Thương tại cuộc họp về dự án NMNĐ Thái Bình 2, ngày 23/7/2019.
Đầu năm 2020, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có văn bản chính thức cho phép PVN được sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu trên cơ sở đảm bảo đúng mục đích, đạt hiệu quả theo quy định của pháp luật để đưa Dự án NMNĐ Thái Bình 2 vào vận hành. Gỡ được “nút thắt” về vốn, PVN đốc thúc tổng thầu nhanh chóng thực hiện công việc để đạt mục tiêu về đích trong năm 2022.
Ngọc Linh