💼 Bảo vệ danh mục của bạn với công cụ chọn cổ phiếu có AI hỗ trợ của InvestingPro – HIỆN GIẢM tới 50% NHẬN ƯU ĐÃI

Nhiều dư địa phục hồi kinh tế: Đưa 'cỗ xe tam mã' trở lại

Ngày đăng 13:12 06/10/2021
Nhiều dư địa phục hồi kinh tế: Đưa 'cỗ xe tam mã' trở lại

Vietstock - Nhiều dư địa phục hồi kinh tế: Đưa 'cỗ xe tam mã' trở lại

GDP quý 3 giảm sâu nhưng kinh tế Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định vĩ mô, giữ được nền tảng vững chắc nhất định để lấy đà cho quý tới và năm 2022.

Chỉ cần đưa “cỗ xe tam mã” (xuất khẩu, đầu tư công, thị trường nội địa) trở lại, tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ phục hồi mạnh mẽ.

Nền tảng vĩ mô ổn định

Theo TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô thuộc Trường đại học Kinh tế quốc dân, GDP quý 3 giảm mạnh (6,17% so cùng kỳ) đã được dự báo trước vì rất nhiều địa phương, trong đó có các địa phương lớn như TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai vốn chiếm 34% GDP cả nước, đã thực hiện giãn cách kéo dài chống dịch, dẫn tới tăng trưởng thấp, kéo tăng trưởng của cả nền kinh tế đi xuống. Các thành phần cấu thành GDP ở góc độ tổng cầu đều sụt giảm, đặc biệt là dịch vụ tiêu dùng. Ngoại trừ thực phẩm, hàng thiết yếu, các mặt hàng phòng chống dịch bệnh, y tế được tiêu thụ; còn hầu hết các lĩnh vực khác như vui chơi, giải trí, hàng hóa tiêu dùng, ăn uống ngoài gia đình... gần như biến mất. Chỉ số mua hàng sản xuất tại Việt Nam (PMI) giảm từ trên 50 điểm xuống còn hơn 40 điểm trong tháng 8 cho thấy sự đình trệ sản xuất. Rồi giao thông, vận tải, du lịch... đều giảm mạnh.

Đầu tư công lúc này không chỉ tạo nền tảng phục hồi cho quý 4 mà còn cho năm sau nên đóng vai trò hết sức quan trọng.

TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô - Trường đại học Kinh tế quốc dân

“Vì thế, mức sụt giảm 6,17% so với cùng kỳ năm ngoái là có thể dự báo trước. Cùng kỳ năm ngoái là quý mà chúng ta đã mở cửa tương đối, riêng kinh tế nội địa thì mở hoàn toàn. Năm nay với các diễn biến của dịch bệnh cùng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt thì kết quả này là không bất ngờ”, ông Thế Anh nhấn mạnh và cho rằng sự sụt giảm này “một phần là tất yếu vì biến chủng mới Delta nghiêm trọng hơn”.

Cũng không bất ngờ trước sự sụt giảm GDP quý 3, tuy nhiên TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, không khỏi bức xúc trước các giải pháp giãn cách “khắc nghiệt” mà nhiều địa phương áp dụng. “Thủ tướng nói đi nói lại 2 vấn đề. Thứ nhất, chấp nhận sống chung với Covid-19 là phải thay đổi phương pháp. Thứ hai là cách ly cực kỳ hẹp, một căn nhà, một khu phố, một con hẻm chứ không cách ly cả phường, cả quận, cả TP nữa. Nhưng lãnh đạo nhiều địa phương vẫn không thực hiện đúng. Câu chuyện của Hà Nam là một minh chứng điển hình. Nếu không có cuộc gọi lúc nửa đêm của Thủ tướng, tỉnh này đã phong tỏa toàn bộ TP.Phủ Lý theo Chỉ thị 16 với gần 200.000 dân. Sau cuộc gọi, tỉnh chỉ phong tỏa hơn trăm hộ dân, đỡ thiệt hại bao nhiêu. Nhưng còn biết bao nhiêu nơi như vậy”, ông Lịch nhấn mạnh.

Dù các chỉ số kinh tế vĩ mô xấu đi so với quý trước nhưng ông Phạm Thế Anh nhấn mạnh, điểm lạc quan là chúng ta vẫn đang giữ được một nền tảng vĩ mô ổn định, vững chắc. Đầu tiên là lạm phát. Dù nguy cơ từ việc đứt gãy sản xuất làm cho giá cả tăng cục bộ ở một số địa phương như TP.HCM, Hà Nội trong một thời gian ngắn nhưng chỉ số giá tiêu dùng chung tháng 8 chỉ tăng 0,25% so với tháng 7, tăng 2,82%. Nếu tính 8 tháng đầu năm, CPI tăng 1,79% cùng kỳ. So với mục tiêu điều hành là lạm phát bình quân thấp hơn 4% cả năm, chúng ta vẫn đang kiểm soát tốt lạm phát.

Tương tự, trong khi nhiều nước rơi vào tình trạng thâm hụt nặng nề, nợ công tăng cao dưới tác động của dịch bệnh thì Việt Nam đang ổn định. Chính sách tiền tệ cũng là một điểm cộng, tuy lãi vay chưa như kỳ vọng của doanh nghiệp (DN) nhưng đã giảm so với đầu năm và có thể sẽ tiếp tục giảm. Công bố mới nhất của Ngân hàng (NH) Nhà nước cho thấy 16 NH thương mại thông qua Hiệp hội NH Việt Nam đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ ngày 15.7 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỉ đồng. Riêng 4 NH thương mại nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỉ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ NH trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16.

Quý 4 có nhiều lợi thế về phục hồi kinh tế Ngọc dương

“Đòn kích” đầu tư công

Câu hỏi lớn nhất hiện nay là các giải pháp nào để phục hồi kinh tế hiệu quả. Dẫn năm 2020, kinh tế duy trì được nhờ “cỗ xe tam mã” (xuất khẩu, đầu tư công và thị trường nội địa), TS Trần Du Lịch phân tích, lần bùng phát thứ 4 của dịch Covid-19 đã đánh gục “2 con ngựa” là thị trường nội địa và đầu tư công. Quý 4 nếu kích lại cỗ xe tam mã này thì GDP chắc chắn sẽ tăng trưởng trở lại.

Thủ tướng chỉ đạo gấp về khôi phục sản xuất kinh doanh

Chỉ thị của Thủ tướng về phục hồi sản xuất kinh doanh ở các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19, được Phó thủ tướng Lê Văn Thành thừa lệnh ký ngày 3.10. Với nguyên tắc sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan tạo thuận lợi cho DN để khôi phục sản xuất kinh doanh, đảm bảo lưu thông hàng hóa...

Theo TS Trần Du Lịch, quý 4 có nhiều lợi thế để đưa nền kinh tế phục hồi. Đầu tiên là việc TP.HCM và nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã chính thức mở cửa trở lại. Nếu các DN, tiểu thương, khu vực dịch vụ khởi động tốt, TP sẽ tiếp tục nới thêm cánh cửa, thị trường nội địa dần trở lại đường đua. Như vậy, 2 tháng cuối năm chắc chắn sẽ tăng trưởng dương.

“Nhưng yếu tố then chốt là nếu gói an sinh xã hội và đầu tư công 250.000 tỉ đồng (trên 10 tỉ USD) được triển khai đúng chỉ đạo của Thủ tướng sẽ kích cầu rất mạnh. Từ kích cầu sẽ kích cung trở lại, đó là đòn kích rất quan trọng và chúng ta phải tận dụng triệt để khi lên kế hoạch phục hồi kinh tế. Hãy nhìn lại giai đoạn 2011 - 2015, khi đó kinh tế trong nước chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ Mỹ rồi lan dần ra thế giới. Ở bên trong, lạm phát tăng cao, lãi suất bị đẩy lên cao nên thực tế Việt Nam bị tác động kép, nội công ngoại kích. Nhưng nhờ đẩy mạnh đầu tư công làm đường Hồ Chí Minh, quốc lộ, đường nông thôn... đã đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái, tăng trưởng trở lại. Giờ cũng vậy, đầu tư công phải đóng vai trò trụ cột, dẫn dắt để phục hồi kinh tế”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Phạm Thế Anh cũng cho rằng kinh tế quý 4 không thể trông chờ vào khu vực tư nhân bởi khối này đang bị tổn thương. Nhiều DN đã đóng cửa, những DN còn tồn tại thì sức khỏe yếu. Với “thể trạng” đó, họ phải cân nhắc rất nhiều trước khi quyết định bỏ tiền đầu tư thúc đẩy sản xuất ở thời điểm này. Thế nên trụ cột đầu tư quý 4 vẫn phải là đầu tư công. “Tiền đã có sẵn, giờ nên tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia. Đầu tư công lúc này không chỉ tạo nền tảng phục hồi cho quý 4 mà còn cho năm sau nên đóng vai trò hết sức quan trọng. Mà muốn thúc đẩy đầu tư công thì vai trò của Chính phủ rất lớn trong việc tháo gỡ các vướng mắc, nút thắt dẫn đến sự chậm trễ giải quyết. Nếu những vướng mắc đó Chính phủ đã giải quyết rồi mà các địa phương, bộ, ngành vẫn không làm thì phải quy trách nhiệm cụ thể. Có như vậy, giải ngân đầu tư công mới chạy được”, ông Thế Anh nói.

Nguyên Khanh

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.