Vietstock - Nhiều doanh nghiệp được lùi đóng kinh phí công đoàn đến hết năm 2021
Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 10% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 1.2021 sẽ được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31.12.2021.
Ngày 8.11, Tổng liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết vừa có công văn gửi LĐLĐ các tỉnh, thành phố; công đoàn ngành T.Ư và tương đương; công đoàn các tổng công ty trực thuộc về việc sửa đổi đối tượng được lùi đóng kinh phí công đoàn.
Thêm nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được lùi đóng kinh phí công đoàn đến hết năm 2021. THU HẰNG |
Theo đó, căn cứ Nghị quyết 126 ngày 8.10.2021 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68 ngày 1.7.2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; cũng như kết luận cuộc họp giao ban Thường trực Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ngày 26.10, Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định sửa đổi đối tượng được lùi đóng kinh phí công đoàn.
Cụ thể, đối tượng được lùi đóng kinh phí công đoàn là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 10% lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) trở lên so với thời điểm tháng 1.2021 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương). Về thời gian thực hiện, trước mắt lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31.12.2021.
Trước đó, cuối tháng 5, Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đồng ý cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có số lao động đang tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trong tổng số lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trở lên được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31.12.2021.
Do ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch lần thứ 4, cuối tháng 8 vừa qua, 14 hiệp hội, ngành hàng đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng và Tổng LĐLĐ Việt Nam được miễn đóng kinh phí công đoàn từ tháng 8.2021 đến hết năm 2021, áp dụng cho các doanh nghiệp và người lao động trong khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội .
Trong thư kiến nghị, các hiệp hội cho biết hầu hết ngành hàng đều sử dụng nhiều lao động và chi phí cho người lao động (chi phí tiền công, tiền BHXH và kinh phí công đoàn) là chi phí lớn nhất. Do phải sản xuất cầm chừng (3 tại chỗ) hoặc dừng sản xuất, công suất, sản lượng giảm tới 70%, nhưng các chi phí liên quan người lao động (BHXH, kinh phí công đoàn...) vẫn giữ nguyên. Doanh nghiệp vẫn phải trả lương ngừng việc khiến khó khăn càng chồng chất, khó trụ vững dài ngày.
Vì vậy, các hiệp hội xin miễn đóng kinh phí công đoàn (2% quỹ lương, do doanh nghiệp đóng) từ tháng 8.2021 đến hết năm 2021, áp dụng cho các doanh nghiệp và người lao động nằm trong các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Sau khi miễn, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục dừng thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn (1% tháng lương do người lao động đóng) cho doanh nghiệp và người lao động trước mắt đến 30.6.2022.
Tuy nhiên, theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, nội dung miễn đóng kinh phí công đoàn không thuộc thẩm quyền của cơ quan này, nên đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xin ý kiến cho phép các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được miễn giảm đóng kinh phí công đoàn trong năm 2021 và 2022.
Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp và Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã quyết định lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31.12.2021 đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 10% lao động tham gia BHXH.
Thu Hằng