Vietstock - Nhà đầu tư Nhật Bản ở Việt Nam: Chuyển dần sang sản phẩm giá trị gia tăng cao
Dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng vẫn có đến 55,3% doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động đầu tư tại Việt Nam cho biết sẽ mở rộng đầu tư kinh doanh trong một đến hai năm tới, tăng 8,5 điểm so với khảo sát của năm trước đó.
Đây là tỷ lệ doanh nghiệp dự định mở rộng kinh doanh cao nhất của khối doanh nghiệp Nhật Bản ở khu vực ASEAN. Đáng chú ý, doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang chuyển dần sang sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Kết quả khảo sát mới nhất về thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài này được Tổ chức Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện hằng năm và công bố vào ngày 19-1.
Sản xuất của một doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Ảnh minh họa: TL
|
Điểm đáng chú ý, theo Trưởng văn phòng đại diện JETRO tại TPHCM, ông Hirai Shinji, khảo sát này được thực hiện trong tháng 8 và tháng 9-2021, khoảng thời gian mà các doanh nghiệp Nhật Bản ở TPHCM và các tỉnh khu vực phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 bùng phát kéo dài.
So với các nước khác trong khối ASEAN, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam muốn mở rộng đầu tư kinh doanh vượt xa đến hơn 10 điểm. Đơn cử như ở Indonesia và Malaysia thứ tự chỉ có 45,3% và 43,2% doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong vòng 1-2 năm tới. Hay ở Thái Lan, chỉ có 40,4% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh, thấp hơn khá xa tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh ở Việt Nam.
Điều này theo người đứng đầu JETRO tại TPHCM cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản tin tưởng vào tiềm năng đầu tư lâu dài ở Việt Nam. Các doanh nghiệp Nhật Bản nhìn thấy Việt Nam có nhiều lợi thế về môi trường đầu tư so với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN, như: Khả năng tăng doanh thu ở thị trường nội địa, tiềm năng phát triển cao; tình hình chính trị – xã hội ổn định; khả năng doanh thu do mở rộng xuất khẩu và chất lượng nhân viên cao.
Khảo sát của JETRO cũng cho thấy trên 50% doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam duy trì chức năng mở rộng bán hàng ở thị trường gần 100 triệu dân này. Về mở rộng chức năng sản xuất, tuy vẫn giữ được thế mạnh là sản xuất các sản phẩm đa năng nhưng xu hướng cho thấy doanh nghiệp Nhật Bản đang chuyển dần sang sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, ông Hirai Shinji nói.
Sản xuất của một doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Ảnh minh họa: TL |
Kết quả khảo sát mới nhất này cho thấy Việt Nam đã lấy lại vị trí đầu bảng ở khu vực Đông Nam Á được doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn mở rộng đầu tư sau khi “nhường ngôi” đầu bảng cho Myanmar trong cuộc khảo sát năm 2020.
Khảo sát năm nay cho thấy chỉ có 13,5% doanh nghiệp Nhật Bản ở Myanmar muốn mở rộng đầu tư trong 1-2 năm tới, mức thấp nhất trong khối ASEAN. Khảo sát năm ngoái, Myanmar đạt 47,3%, trong khi Việt Nam chỉ có 46,8% doanh nghiệp Nhật Bản cho biết có định hướng mở rộng kinh doanh, bị tụt giảm 17,1% điểm so với kết quả khảo sát năm 2019 (63,9%).
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra những rủi ro đối với doanh nghiệp Nhật Bản đến từ thủ tục hành chính phức tạp, tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên cao và giá đất/tiền thuê tăng. Mặc dù mức lương tối thiểu năm 2021 không tăng nhưng tại các doanh nghiệp của Nhật Bản, lương tăng trung bình 5,4%.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp muốn mở rộng việc thu mua tại chỗ nhưng chất lượng, kỹ thuật của bên đối tác chưa đủ, thu mua nguyên vật liệu trong nước còn khó khăn. Nhìn chung so với các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia thì tỷ lệ cung ứng nguyên vật liệu tại Việt Nam còn thấp hơn nhiều.
Khi đánh giá đầu tư, các hạng mục mà các công ty Nhật Bản nhận thấy là rủi ro của Việt Nam so với các nước ASEAN khác là: Thủ tục hành chính phức tạp, tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao, thiếu diện tích đất/văn phòng, giá đất/tiền thuê tăng,…
Kết quả khảo sát gợi mở chính sách cho Việt Nam trong việc xây dựng hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy khép lại một năm đầy khó khăn do dịch Covid-19, vẫn có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong năm 2021. Trong đó, Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,9 tỉ đô la Mỹ, chỉ sau Singapore (trên 10,7 tỉ đô la và Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 5 tỉ đô la).
Lê Hoàng