Giảm 40%
Mới! 💥 Dùng ProPicks để xem chiến lược đã đánh bại S&P 500 tới 1,183%+Nhận ƯU ĐÃI 40%

Ngành bán lẻ: Nội co lại, ngoại vẫn tiến bước

Ngày đăng 04:00 17/01/2022
Cập nhật 21:00 16/01/2022
Ngành bán lẻ: Nội co lại, ngoại vẫn tiến bước

Vietstock - Ngành bán lẻ: Nội co lại, ngoại vẫn tiến bước

Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm trong hệ thống của các nhà bán lẻ được xem là một mình một chợ với nhiều lợi thế trong suốt thời gian dài TPHCM phong tỏa để chống dịch. Nhiều ý kiến cho rằng các chủ siêu thị và cửa hàng tiện lợi đã hưởng lợi rất nhiều khi dịch bệnh hoành hành và dư sức mở rộng chuỗi kinh doanh sau khi thành phố mở cửa trở lại từ tháng 10-2021. Thế nhưng, những nhà bán lẻ nội thì không nghĩ như vậy.

Một trung tâm mua sắm ở TPHCM. Ảnh: Quốc Hùng

Nốt trầm cho nhà bán lẻ nội

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, nhà bán lẻ sở hữu hệ thống nhiều loại siêu thị, cho hay trong năm 2021, Saigon Co.op không mở điểm mới mà chỉ tập trung duy trì hoạt động các điểm kinh doanh hiện hữu. “Nhiều ý kiến cho rằng những đơn vị bán lẻ sống khỏe trong dịch, nhưng thực tế Saigon Co.op cũng có những lúc cần “máy ATM oxy” (cần được tiếp sức – PV). Nếu dịch kéo dài hai tháng nữa, Saigon Co.op không thể nào thực hiện được những sứ mệnh xã hội của mình”, ông Đức nói.

Không riêng Saigon Co.op mà trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu do dịch bệnh, hầu hết các nhà bán lẻ nội khác cũng chỉ duy trì được các điểm kinh doanh hiện hữu dù việc khai thác mặt bằng mới lúc này được cho là khá thuận lợi. Thậm chí có doanh nghiệp còn bán bớt cổ phần cho đối tác ngoại để tồn tại.

Quảng cáo của bên thứ 3. Không phải là đề nghị hoặc khuyến nghị của Investing.com. Xem miễn trừ trách nhiệm ở đây hoặc loại bỏ quảng cáo .

Tuy nhiên, với các nhà bán lẻ ngoại thì diễn biến cho thấy điều ngược lại. Bên cạnh điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế của thị trường, họ vẫn tiếp tục rót vốn mở rộng kinh doanh ở Việt Nam.

Nhật Bản tăng cường sự hiện diện

Giữa tháng 12 vừa qua, thương hiệu thời trang Uniqlo khai trương cửa hàng thứ 10 tại TPHCM. Trước đó, hai cửa hàng thứ 8 và 9 cũng được mở trong hai tháng 10 và 11. Ông Osamu Ikezoe, Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam, cho biết sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới các cửa hàng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhiều nhóm khách.

Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam, cho hay nhịp sống nhanh tại khu vực thành thị cùng với những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Khách hàng ngày càng chú trọng hơn về sự tiện lợi và lựa chọn các siêu thị nhỏ và vừa, có vị trí gần nhà đối với các sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày. Đó là lý do, Aeon đã đầu tư cho các siêu thị Aeon MaxValu, với diện tích từ 300-500 mét vuông nằm trong các khu dân cư, nhằm đáp ứng các nhu cầu thay đổi đó.

Hiện Aeon đã mở được bốn siêu thị Aeon MaxValu ở miền Bắc và dự kiến sẽ mở thêm ba điểm nữa trong quí 1-2022. Công ty đặt mục tiêu mở 20 siêu thị loại này tại khu vực miền Bắc. Mặt khác, với mục tiêu phát triển 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam đến năm 2025, Aeon không ngừng tìm kiếm cơ hội đầu tư sau khi đã rót hơn 1 tỉ đô la Mỹ cho sáu trung tâm thương mại cùng hơn 40 cửa hàng chuyên doanh khác. Đây là một định hướng trong chiến lược dài hạn của Tập đoàn Aeon khi xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai chỉ sau Nhật Bản.

Quảng cáo của bên thứ 3. Không phải là đề nghị hoặc khuyến nghị của Investing.com. Xem miễn trừ trách nhiệm ở đây hoặc loại bỏ quảng cáo .

Chưa hết, một số nhà bán lẻ Nhật Bản khác dù chưa chính thức đặt chân ở Việt Nam nhưng vẫn khẳng định quyết tâm “định cư” ở đây bất chấp những khó khăn trước mắt. Như chuỗi cà phê %Arabica gần đây thông báo sẽ mở cửa hàng tại Việt Nam sau khi chọn được mặt bằng ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, TPHCM.

Thương hiệu làm đẹp ReFa lần lượt ra mắt ba cửa hàng tại TPHCM và dự kiến mở ở Hà Nội vào giữa năm 2022. Những doanh nghiệp này đang tiếp tục nối dài danh sách các nhà bán lẻ Nhật tại thị trường Việt Nam ngay giữa mùa dịch. Theo ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, thu nhập của người dân tăng lên là yếu tố rất quan trọng để doanh nghiệp Nhật hướng đến thị trường Việt Nam. Ông dự báo xu hướng đầu tư thương mại của Nhật Bản sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới vì còn nhiều tập đoàn bán lẻ lớn khác chưa vào Việt Nam.

Hàn Quốc chọn lối nhượng quyền

Trong khi đó, các nhà bán lẻ Hàn Quốc chuyển sang hướng nhượng quyền thương mại thay vì đầu tư sở hữu trực tiếp như trước đây.

Câu chuyện Emart hoàn tất chuyển nhượng siêu thị tại TPHCM cho Thaco Group vào tháng 10 vừa qua đã đánh dấu bước chuyển hướng của nhà bán lẻ này sau nhiều năm nỗ lực tự phát triển điểm bán và thất bại. Emart nhượng quyền thương hiệu cho Thaco độc quyền khai thác, trong đó Thaco sẽ chịu trách nhiệm điều hành, quản trị và mở rộng siêu thị Emart. Emart Hàn Quốc sẽ cử đội ngũ quản lý cấp cao và duy trì cung ứng hàng hóa nhãn hiệu riêng từ Hàn Quốc. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco, cho biết trong năm 2022 sẽ mở thêm 3 điểm Emart và sẽ tăng lên 10 điểm vào năm 2025.

Quảng cáo của bên thứ 3. Không phải là đề nghị hoặc khuyến nghị của Investing.com. Xem miễn trừ trách nhiệm ở đây hoặc loại bỏ quảng cáo .

Theo các chuyên gia, đây là cách “đôi bên cùng có lợi”. Với một “tay chơi” mới về bán lẻ tiêu dùng như Thaco, kinh nghiệm quản lý từ nhà bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc sẽ giúp Thaco dễ thành công hơn. Trong khi đó Emart không chỉ nhận được tiền bản quyền, duy trì được thương hiệu mà còn tiếp tục đưa các sản phẩm nhãn riêng của mình vào bán ở Việt Nam.

Cũng phát triển theo hướng nhượng quyền, liên doanh giữa GS Retail và Sơn Kim Group đang triển khai nhượng quyền cửa hàng GS25 cho các nhà đầu tư thứ cấp để có thể đạt tới mục tiêu 10.000 cửa hàng so với gần 150 cửa hàng hiện nay.

Theo KoreaTimes, Đông Nam Á từng được các nhà bán lẻ Hàn Quốc xem là một trong ba khu vực tăng trưởng mạnh để tập trung rót vốn mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, các chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc gặp phải hai rào cản lớn: sức mua kém hơn kỳ vọng và các quy định phòng chống dịch ngặt nghèo khiến các cửa hàng và siêu thị giảm doanh thu do phải đóng cửa phòng dịch.

Thái Lan nhắm vào nhóm khách hàng chủ lực

Nhà đầu tư Thái Lan Central Retail - được biết nhiều qua thương vụ tỉ đô thâu tóm chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam – cũng tăng cường sự hiện diện của mình khi mới đây khai trương trung tâm thương mại và đại siêu thị GO! ở tỉnh Thái Bình với mức đầu tư 500 tỉ đồng.

Quảng cáo của bên thứ 3. Không phải là đề nghị hoặc khuyến nghị của Investing.com. Xem miễn trừ trách nhiệm ở đây hoặc loại bỏ quảng cáo .

Sau thương vụ Big C, Central Retail liên tục mở rộng hệ thống bán hàng và hiện đã có hơn 290 cửa hàng và 39 trung tâm thương mại ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Central Retail dự kiến rót thêm 1,1 tỉ đô la để phủ rộng điểm kinh doanh khắp tỉnh thành trong năm năm.

Trong khi đó, MM Mega Market, một thành viên của Tập đoàn BJC được biết đến từ sau thương vụ mua chuỗi Cash & Carry ở Việt Nam từ tập đoàn Metro. Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm chuyên biệt của từng nhóm khách hàng, nhà bán lẻ này còn mở thêm trung tâm quy mô nhỏ hơn tại nội thành, để khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận MM. MM còn phát triển thêm mô hình Trung tâm dịch vụ thực phẩm (Food Service), Kho lưu trữ – phân phối (Depot) và Hybrid Food Service – điểm kết hợp mua sắm cho khách hàng hộ gia đình và khách hàng chuyên nghiệp ở các thành phố du lịch…

Thị trường vẫn… nhiều tiềm năng

Các nhà bán lẻ nước ngoài nhìn nhận kết quả năm 2021 tăng trưởng thấp chủ yếu là do bị ảnh hưởng Covid-19, nhưng về dài hạn Việt Nam vẫn là một thị trường đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân, được xếp vào nhóm các quốc gia phát triển tầng lớp trung lưu mạnh và tốc độ đô thị hóa nhanh. Các nhà bán lẻ ngoại tiếp tục kiên định với chiến lược phát triển bền vững và gắn bó lâu dài tại Việt Nam. Bên cạnh mở thêm điểm bán rộng khắp, họ tiếp tục đầu tư vào thương mại điện tử, kỹ thuật số nhằm nâng cao trải nghiệm mua sắm cho khách hàng.

Quảng cáo của bên thứ 3. Không phải là đề nghị hoặc khuyến nghị của Investing.com. Xem miễn trừ trách nhiệm ở đây hoặc loại bỏ quảng cáo .

Thực tế cho thấy ngành bán lẻ Việt Nam đang trong quá trình phục hồi. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa trong ba tháng qua đều tăng cao so với những tháng áp dụng giãn cách trong nửa cuối năm 2021. Các công ty chứng khoán cũng dự báo ngành bán lẻ sẽ phục hồi mạnh mẽ bởi tiến độ tiêm vaccine ngày càng bứt phá và Chính phủ mở cửa trở lại mọi hoạt động kinh tế.

Từ năm 2019 trở về trước, thị trường bán lẻ Việt Nam cho thấy có tốc độ tăng trên 10%. Thậm chí năm 2020, dù bị ảnh hưởng Covid-19, bán lẻ Việt Nam vẫn tăng thêm hơn 11 tỉ đô la so với 2019, đạt hơn 172 tỉ đô la. Do đó, theo giới phân tích, trong bối cảnh khó khăn này, các nhà bán lẻ ngoại với tiềm lực tài chính mạnh tiếp tục “lót ổ” đầu tư là sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh về sau.

Quốc Hùng

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.