Theo lãnh đạo ngân hàng,Vietcombank (HM:VCB) đã hoàn thành việc xây dựng phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém. Sáng ngày 09/01/2023, Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank ã: VCB) đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác Đảng và Nhiệm vụ kinh doanh năm 2023.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank cho biết, trong năm 2022, Vietcombank đã hoàn thành việc xây dựng phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém.
Và trong năm 2023, một trong sáu trọng tâm mà ngân hàng này sẽ tập trung là triển khai đúng tiến độ đối với phương án nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém này.
Bên cạnh đó, ngân hàng Vietcombank sẽ giám sát chặt chẽ tình hình hoạt động và chất lượng tín dụng của khách hàng, đặc biệt là khách hàng có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; chủ động rút giảm dư nợ đối với nhóm khách hàng có hiệu quả thấp, rủi ro tiềm ẩn cao.
Liên quan đến việc xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, theo báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng đã phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu 2021 - 2025, trong đó hoàn thiện khung pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng...
Chính phủ cũng báo cáo, đề xuất Bộ Chính trị cơ chế xử lý với các ngân hàng yếu kém và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB); tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Bốn ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu hiện nay gồm Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) và ba ngân hàng TMCP mua bắt buộc là Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank).
Riêng với SCB, từ cuối tháng 10, Ngân hàng Nhà nước đã đưa tổ chức tín dụng này vào diện kiểm soát đặc biệt. Đến nay Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục kiểm soát ngân hàng này và từng bước duy trì hoạt động ổn định và hạn chế những khó khăn cho SCB.