Vietstock - Ngân hàng Nhà nước chính thức mở kênh hút tiền
Việc mở lại kênh tín phiếu thể hiện Ngân hàng Nhà nước sẵn hàng hút bớt lượng tiền từ thị trường để hỗ trợ kiểm soát lạm phát...
Ghi nhận trong phiên giao dịch ngày 21/6, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ mở lại kênh hút tiền trên thị trường mở (OMO) với việc chào thầu 10.000 tỷ đồng tín phiếu.
Mặc dù khoản tiền trúng thấu khá nhỏ, khoảng 200 tỷ đồng và lãi suất cũng chỉ 0,3%/năm nhưng đây là điểm rất đáng chú ý. Bởi lẽ, kênh này đã “đóng băng” trong hơn 2 năm trở lại đây.
Trước đó, vào năm 2018, khi nguồn ngoại tệ dồi dào, Ngân hàng Nhà nước thực hiện hoạt động mua ngoại tệ giao ngay. Hoạt động này thuận lợi đến nỗi, dữ trữ ngoại hối Việt Nam liên tục tăng phá kỷ lục.
Tuy nhiên, lượng tiền đối ứng VND (HM:VND) được đẩy ra thị trường nhiều quá khiến cơ quan điều hành tiền tệ buộc phải hút bớt tiền thông qua kênh tín phiếu và cho lượng tiền này thẩm thấu dần theo kỳ hạn. Giai đoạn này, quy mô tín phiếu có thời điểm lên tới hơn 150.000 tỷ đồng, tương đương số tiền bị hút về.
Sang đến trung tuần tháng 6/2020, khi dịch bệnh Covid-19 ập đến, để tránh khủng hoảng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã dừng hẳn không chào thầu tín phiếu và chỉ mở lại vào ngày 21/6.
Trong suốt khoảng thời gian từ tháng 6/2020 đến 21/6/2022, vẫn có những phiên Ngân hàng Nhà nước hút ròng. Song, hoạt động hút ròng này chỉ hỗ trợ nguồn đáo hạn, chứ không hẳn là hút ròng như kênh tín phiếu. Hiểu đơn giản, khi thanh khoản hệ thống gặp khó khăn, thiếu hụt tạm thời, Ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng thương mại vay ngắn hạn và khoản tiền này dần dần được thu hồi lại. Còn chào thầu tín phiếu là việc hút trực tiếp tiền từ thị trường về, tránh sự dư thừa tiền quá mức.
Kênh tín phiếu bị "đóng băng" suốt từ trung tuần tháng 6/2020 đến nay |
Thông thường, lãi suất VND liên ngân hàng là “hàn thử biểu” tốt nhất cho biến động thanh khoản của hệ thống. Mức lãi suất được chạy từ trần (lãi suất tái chiết khấu) đến sàn (lãi suất tín phiếu).
Tức, khi thanh khoản bị thiếu hụt, cầu nhiều hơn cung, lãi suất liên ngân hàng tăng vọt. Trong trường hợp lãi suất này chạm trần thì ngân hàng thương mại có thể tiếp cận vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước thay vì vay mượn nhau với mức lãi suất cao.
Trái lại, khi thanh khoản dư thừa, cầu ít hơn cung, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh. Trong trường hợp giảm sàn, ngân hàng thương mại có thể lựa chọn gửi Ngân hàng Nhà nước với mức lãi suất cao hơn khi cho nhau mượn tiền.
Đôi khi lãi suất liên ngân hàng tăng xuyên qua mức trần hoặc giảm sâu dưới mức sàn do ngân hàng thương mại muốn mua tín phiếu hay tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ cần có một số điều kiện cụ thể. Nhưng về cơ bản, lãi suất VND liên ngân hàng sẽ nằm trong vùng mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước mong muốn.
Trong một diễn biến liên quan, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vừa phát đi thông điệp, cơ quan này vẫn sẽ tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Theo một chuyên gia, mặc dù chưa vội tăng lãi suất điều hành nhưng có vẻ như trước áp lực lạm phát và việc mở lại kênh hút tiền, Ngân hàng Nhà nước đang cho thấy việc không muốn duy trì một mặt bằng lãi suất quá thấp. Thậm chí, việc mở kênh hút tiền diễn ra trong bối cảnh, trước đó Ngân hàng Nhà nước đã hút bớt lượng tiền VND lớn trên thị trường thông qua nghiệp vụ bán ngoại tệ để hỗ trợ tỷ giá.
"Ngân hàng Nhà nước phát biểu chưa tăng lãi suất, nhưng việc họ khởi động tín phiếu nghĩa là họ đang thăm dò để tăng lãi suất trong tương lai gần", vị chuyên gia này nêu quan điểm.
Trong một diễn biến khác, khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có động thái hút tiền về để nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, thì lũy kế từ đầu năm tới nay, Kho bạc Nhà nước đã thực hiện mua vào 700 triệu USD từ các ngân hàng thương mại, tương đương với việc đẩy khoảng 15.785 tỷ VND ra ngoài thị trường.
Đào Vũ