Vietstock - Ngân hàng bơm hơn 237.000 tỷ đồng ra thị trường sau một tháng
Đây là số tiền được các ngân hàng thương mại bơm ròng ra thị trường thông qua kênh cho vay trong chưa đầy một tháng kể từ ngày 25/11 đến 22/12.
Chia sẻ tại cuộc họp báo kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2021, định hướng nhiệm vụ năm 2022 diễn ra sáng nay (28/12), Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tính đến ngày 22/12, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt 12,68% so với cuối năm 2020 và tăng khoảng 14,57% so với cùng kỳ năm trước.
Với số liệu này, dư nợ tín dụng toàn thị trường đã đạt trên 10,35 triệu tỷ đồng và cao hơn 2,58% chỉ trong chưa đầy một tháng, kể từ ngày 25/11.
Cụ thể, số liệu gần nhất về tăng trưởng tín dụng được cơ quan quản lý tiền tệ công bố cho biết tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 25/11 đạt xấp xỉ 10,12 triệu tỷ, tăng 10,1% so với cuối năm 2020.
Tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 2,58% chỉ trong chưa đầy một tháng kể từ ngày 25/12. Ảnh: Nam Khánh. |
Cho vay ròng gần 8.800 tỷ đồng/ngày
Như vậy, các ngân hàng thương mại đã bơm ròng ra thị trường hơn 237.000 tỷ đồng chỉ trong chưa đầy một tháng vừa qua, tương đương gần 8.800 tỷ đồng/ngày.
Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết trong năm nay, cơ quan quản lý tiền tệ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng.
Trong đó, chỉ đạo các ngân hàng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông.
Bên cạnh đó, tín dụng trong lĩnh vực cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng cũng được tăng cường quản lý rủi ro.
Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp như phát triển các dịch vụ trực tuyến, mở rộng mạng lưới, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay đáp ứng nhu cầu vay vốn của thị trường.
“Với hệ thống các chỉ đạo và giải pháp đồng bộ, dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 nhưng tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng ngay từ đầu năm và cao hơn so cùng kỳ năm 2020”, Phó thống đốc nhấn mạnh.
Lãnh đạo NHNN cũng cho biết trong những tháng đã qua, cơ quan quản lý tiền tệ vẫn duy trì quan điểm điều hành đồng bộ các công cụ chính sách để điều tiết thanh khoản phù hợp.
Trong đó, thị trường tiền tệ ổn định, lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp, hỗ trợ các ngân hàng giảm chi phí vốn để có điều kiện tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay.
Lãi suất được cơ quan này điều hành theo hướng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Trong khi đó, tỷ giá được điều hướng linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường và đáp ứng đầy đủ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp.
Hơn 7,4 triệu tỷ cho vay lãi suất thấp
Cũng tại buổi họp báo, lãnh đạo NHNN cho biết từ đầu năm nay, cơ quan này đã chỉ đạo các ngân hàng đẩy mạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh.
Tính đến 20/12, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khoảng 607.000 tỷ đồng dư nợ kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Hiện có khoảng 775.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch được cơ cấu lại nợ, với dư nợ trên 296.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đã có trên 1,96 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng được miễn, giảm, hạ lãi suất. Trong đó, tổng số tiền lãi lũy kế đến nay các nhà băng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng vào khoảng 34.900 tỷ đồng.
Doanh số cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đã là trên 7,4 triệu tỷ, với trên 1,3 triệu khách hàng được vay vốn.
Hơn 7,4 triệu tỷ đồng đã được các ngân hàng cho vay ra thị trường với lãi suất thấp hơn so với trước dịch Covid-19. Ảnh: Nam Khánh. |
Ngoài ra, NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện các giải pháp về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch Covid-19. Ước tính số lượng giao dịch được miễn phí chiếm khoảng 80%.
Dự kiến tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và qua hệ thống chuyển mạch bù trừ của Napas trong giai đoạn 2020-2021 được giảm là 2.557 tỷ đồng.
Ngoài ra, NHNN cũng đã thực hiện tái cấp vốn đối với các ngân hàng sau khi nhóm ngân hàng này cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines (HN:HVN)) vay vốn.
Quang Thắng