Vietstock - Ông Don Lam: Vốn FDI vào Việt Nam sẽ không chịu ảnh hưởng của xu hướng đảo ngược toàn cầu hóa
Tại báo cáo mới nhất trong chuỗi bài về tác động của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam và những đề xuất mở cửa lại nền kinh tế, nhóm chuyên gia kinh tế VinaCapital đề cập đến đợt sóng đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, những yếu tố giúp các nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam sau dịch.
Dưới đây là những chia sẻ của ông Don Lam, Sáng lập viên - Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, về những yếu tố riêng tạo nên ưu thế của Việt Nam trong việc thu hút vốn FDI chất lượng cao.
Việt Nam đang là một trong số ít quốc gia trên thế giới được đánh giá nhiều khả năng sớm phục hồi nền kinh tế hơn sau đại dịch. Kinh tế trong nước được tái khởi động và dần hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Mọi việc đang đi theo hướng tích cực nhưng còn nhiều khó khăn và thách thức, không chỉ Việt Nam mà các quốc gia khác trên thế giới sẽ phải đối mặt trong 6 tháng tới.
Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh đáng kể để trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Một trong những lợi thế đó là việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Việt Nam nên làm gì để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài với chất lượng cao hơn?
Những năm gần đây, nguồn vốn FDI vào Việt Nam tăng đáng kể so với vác nước trong khu vực. Năm 2019, tổng vốn FDI đăng ký đạt hơn 38 tỷ USD - tăng 7% so với năm 2018 - và đạt mức cao nhất trong 10 năm qua. Phần lớn nguồn vốn này chảy vào lĩnh vực sản xuất nhờ một số yếu tố hấp dẫn như nguồn lao động chất lượng cao, chi phí thấp - chỉ bằng khoảng 1/3 chi phí lao động tại Trung Quốc. Vị trí địa lý thuận lợi của Việt nam giáp với Trung Quốc và phần còn lại trong chuỗi cung ứng Châu Á về may mặc, đồ nội thất, hãng điện tử và các ngành công nghiệp khác.
Sau khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 và một số sự kiện khác, quá trình đảo ngược của việc toàn cầu hóa “deglobalization” từ từ diễn ra.
Đại dịch Covid-19 cho thấy những yếu kém của nhiều chuỗi cung ứng và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự đoán dòng vốn FDI toàn cầu sẽ sụt giảm 30% sau đại dịch.
Một số chính trị gia ở nhiều nước muốn các công ty đưa việc sản xuất về lại trong nước để tạo thêm việc làm cho dân bản địa. VinaCapital tin rằng nguồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng từ xu hướng này và thậm chí còn tăng lên.
Quá trình đảo ngược toàn cầu hóa bao gồm 3 vấn đề chính như sau:
- Lo ngại về sự quá phụ thuộc vào các nhà cung cấp tại Trung Quốc. Các doanh nghiệp thường nghĩ họ có chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng thực tế là chuỗi cung ứng Trung Quốc.
- Người tiêu dùng phản ứng tiêu cực với Trung Quốc. Theo một nghiên cứu của Bloomberg, tại Mỹ, 80% người dùng không muốn mua hàng “made in China”, và xu hướng này cũng khá phổ biến ở các nước Châu Âu với tỷ lệ thấp hơn.
- Xu hướng “khu vực hóa”, theo đó nhà sản xuất sẽ tập trung vào các thị trường khu vực thay vì thị trường toàn cầu. Ví dụ, một nhà máy đặt ở Mehico sẽ sản xuất hàng hóa cho Canada và Mỹ, trong khi một nhà máy đặt tại Việt Nam sẽ sản xuất hàng hóa cung cấp cho các nước ở khu vực Châu Á.
Vài chính khách của Mỹ và Châu Âu nói về việc đưa các cơ sở sản xuất về lại chính quốc, là ý tưởng chính trị hiệu quả nhưng thực tế không đơn giản như vậy vì một số nguyên nhân:
Chi phí lao động là một trong những nguyên nhân chính. Thông thường, chi phí cho một công nhân nhà máy ở Châu Âu hoặc Mỹ cao hơn nhiều so với chi phí trả cho công nhân tại Châu Á. Lĩnh vực sản xuất ở Mỹ hầu như không còn tồn tại, với mức đóng góp thấp nhất vào tăng trưởng GDP của nước này trong 70 năm qua.
Lực lượng lao động lành nghề ở Mỹ và Châu Âu không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất. Ở Mỹ, hệ thống dạy nghề không đáp ứng nổi yêu cầu về chất lượng lao động, trong khi các nước Châu Âu đang đối mặt với vấn đề dân số già, tỷ lệ sinh thấp.
Từ nhiều năm nay, hầu hết doanh nghiệp đều muốn giảm thiểu chi phí, và vấn đề này sẽ càng trở nên nghiêm trọng khi chi phí lao động ngày một tăng cao cộng thêm những bất ổn về mặt kinh tế từ đại dịch.
Do áp lực về tỷ suất lợi nhuận cũng như giảm thiểu chi phí, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tìm đến Việt Nam như điểm đến tiềm năng cho việc đặt các cơ sở sản xuất trong tương lai.
Các công ty đa quốc gia đang không chỉ chịu áp lực về mặt chi phí mà còn bị áp lực vào sự phụ thuộc vào Trung Quốc như lựa chọn duy nhất cho các cơ sở sản xuất của họ.
Những áp lực này chính là cơ hội của Việt Nam để thu hút thêm nguồn vốn FDI.
Trên hết, Việt Nam luôn có lợi thế về mặt lao động với các nhà đầu tư, đó là chất lượng lao động cao trong khi chi phí thấp và vị trí địa lý gần với chuỗi cung ứng tại Trung Quốc và phần còn lại của Châu Á.
Một trong những yếu tố khác để củng cố niềm tin nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam sẽ tăng chính là việc kiểm soát dịch bệnh thành công. Những quyết sách kịp thời và kiên quyết của Chính phủ trong cuộc chiến chống dịch đã tạo tiếng vang khắp thế giới và thu hút sự chú ý của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia sức khỏe và giới báo chí toàn cầu. Nhờ đó, vị thế của Việt Nam cũng trở nên thu hút hơn đối với cộng đồng doanh nhân quốc tế.
Hàn Đông ghi