Vietstock - Nâng mức giảm trừ gia cảnh, thu ngân sách giảm hơn 10 nghìn tỷ đồng/năm
Chính phủ đã có tờ trình dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Theo tính toán của Bộ Tài chính tại đề xuất này, thu ngân sách sẽ giảm hơn 10 nghìn tỷ đồng/năm.
* Thuế thu nhập cá nhân: 10 năm tăng gần 10 lần, quá tận thu!
Dự kiến từ năm 2020, người lao động có thu nhập từ 11 triệu đồng tháng trở lên mới chịu thuế thu nhập cá nhân.
|
Phần lớn người nộp thuế ở bậc 1 sẽ không phải nộp thuế
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13 (Luật Thuế TNCN), trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
“Theo số liệu Tổng cục Thống kê cung cấp, chỉ số CPI tại thời điểm cuối tháng 12/2019 so với thời điểm 1/7/2013 là 123,2%, tăng 23,2%. Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13 nêu trên, cần thiết phải nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN” - tờ trình của Chính phủ nêu rõ.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Thuế TNCN (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 của Luật số 26/2012/QH13) như sau: Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh nêu trên, theo Bộ Tài chính, sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với thời điểm năm 2013. Số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng nộp thuế, trong đó mức độ giảm số thuế phải nộp của nhóm người nộp thuế ở bậc thuế thấp sẽ cao hơn so với những người nộp thuế ở bậc thuế cao.
Trước đó, khi tổ chức lấy ý kiến công khai, mức đề xuất nêu trên nhận được những ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc nâng mức giảm trừ nêu trên là phù hợp với điều kiện hiện nay, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và người nộp thuế. Với mức giảm trừ mới, các mốc thu nhập chưa phải nộp thuế sẽ nâng lên là 11 triệu đồng/tháng (không có người phụ thuộc); 15,4 triệu đồng/tháng (có 1 người phụ thuộc) và 19,8 triệu đồng/tháng (có 2 người phụ thuộc).
Như vậy, một bộ phận lớn những người đang nộp thuế TNCN ở bậc 1 (chiếm đến 44% số người nộp thuế TNCN) sẽ chuyển sang diện không phải nộp thuế. Những người có thu nhập 20 triệu đồng/tháng nếu có 2 người phụ thuộc thì số thuế TNCN phải nộp hàng tháng chỉ chiếm khoảng 0,05% thu nhập (10 nghìn đồng/tháng). Những người có thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng có người phụ thuộc sẽ không phải nộp thuế.
Giảm thu ngân sách khoảng 10.800 tỷ đồng/năm
Theo dữ liệu trên hệ thống tập trung của ngành Thuế trong năm 2019, số lượng người nộp thuế TNCN từ tiền lương, tiền công đạt khoảng 6,89 triệu người, với tổng số thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt trên 79.219 tỷ đồng.
Bộ Tài chính tính toán, với đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh nêu trên thì số thu về thuế TNCN 1 năm giảm khoảng 10.800 tỷ đồng (tương đương giảm khoảng 14% số thu NSNN về thuế TNCN từ tiền lương, tiền công năm 2019).
Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh nêu trên sẽ được thực hiện kể từ khi nghị quyết có hiệu lực thi hành (kể từ ngày ký) và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020. Theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020, thì thời hạn quyết toán thuế TNCN năm 2020 chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính; đối với hồ sơ quyết toán thuế TNCN của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế thì chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.
Do vậy trường hợp đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh cũ (9 triệu đồng/tháng đối với đối tượng nộp thuế và 3,6 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc) sẽ được xác định số thuế TNCN phải nộp theo mức giảm trừ gia cảnh mới khi quyết toán thuế TNCN năm 2020.
Là người làm nghiên cứu chính sách tài chính, ông Trương Bá Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho biết, chính sách thuế TNCN hiện hành của Việt Nam về cơ bản đã từng bước tiệm cận và phù hợp với thông lệ quốc tế. Thuế TNCN của Việt Nam đã đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập với ý nghĩa người có thu nhập từ mức trên trung bình trở lên sẽ nộp thuế TNCN và thu nhập cao phải nộp thuế nhiều hơn. Việc thực hiện chính sách thuế TNCN cũng đã có những đóng góp quan trọng trong việc cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bền vững hơn, tạo điều kiện cho Nhà nước có thể động viên được hợp lý thu nhập của một bộ phận người nộp thuế để bổ sung nhu cầu nguồn lực cho các nhiệm vụ chi ngân sách về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Bình luận về chính sách mới này, ông Trương Bá Tuấn cho rằng, những người có thu nhập thấp hơn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh lần này. Tuy nhiên, về lâu dài, ông cho rằng, cần phải có kế hoạch nghiên cứu tổng kết, đánh giá Luật Thuế TNCN, từ đó báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNCN vào thời điểm thích hợp, đảm bảo sự đồng bộ với quá trình cải cách tổng thể hệ thống chính sách thuế cũng phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Tỷ lệ giảm trừ gia cảnh của Việt Nam ở mức cao trong khu vực Chúng ta phải làm rõ với nhau rằng, mức giảm trừ gia cảnh theo quy định của pháp luật là mức chung, không phân biệt ở nông thôn hay ở thành phố. Mức giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ trước khi tính thuế TNCN cho bản thân người nộp thuế và những người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm phải nuôi dưỡng. Mức giảm trừ gia cảnh này không phải mức để cho người nộp thuế và người phụ thuộc đủ sống, mà đây là tính trên cơ sở mức tiêu dùng tối thiểu, vì mức giảm trừ gia cảnh phải được tính trên cơ sở thu nhập bình quân đầu người (GDP) của mỗi quốc gia. Đối với thuế TNCN, tỷ lệ mức giảm trừ gia cảnh so với mức GDP bình quân đầu người thì Việt Nam là quốc gia có tỷ trọng mức giảm trừ gia cảnh cao nhất, cao hơn cả Thái Lan, Singapore và các nước trong khu vực khác. Nếu như được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, thì mức giảm trừ gia cảnh này cao hơn rất nhiều nước trên thế giới. Bà Nguyễ Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam |
Thu nhập người nộp thuế tăng sau điều chỉnh Tăng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN không chỉ đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật, mà nó còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh kinh tế khó khăn do dịch bệnh gây ra nhằm hỗ trợ, chia sẻ đến người nộp thuế. Đồng thời, đây là công cụ hữu hiệu điều tiết kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Khi mức giảm trừ gia cảnh tăng lên thì thuế TNCN sẽ giảm, thu nhập còn lại của người nộp thuế sẽ tăng. Từ đó người nộp thuế sẽ giảm bớt khó khăn, có điều kiện để chăm lo cho cuộc sống bản thân, gia đình và con cái. Đồng thời, người nộp thuế sẽ có nguồn lực để đầu tư vào các hoạt động y tế, giáo dục, nâng cao tay nghề, vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao, du lịch và văn thẩm mỹ hoặc tích lũy tư nhân... Ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín |
Minh Anh - NM