Vietstock - Luật Thuế TNCN: Tăng mức giảm trừ gia cảnh và điều chỉnh từng năm
Luật Thuế TNCN được ban hành năm 2007 và có hiệu lực từ năm 2009, sau đó được điều chỉnh bổ sung năm 2012. Bên cạnh những kết quả đạt được, luật cũng bộc lộ những bất cập, nhiều điểm chưa phù hợp với thực tiễn, trong đó có mức giảm trừ gia cảnh.
Ảnh minh họa
|
Do vậy lần sửa đổi sắp tới trong luật cần nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng như hiện nay lên mức cao hơn, thậm chí 18-20 triệu đồng/tháng, bởi vật giá đã leo thang nên mức 11 triệu đồng/tháng đã trở nên lạc hậu. Cùng với đó, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc (hiện là 4,4 triệu đồng/tháng) cũng cần được nâng lên 50-70%, tức khoảng 6-7,5 triệu đồng/tháng.
Bởi lẽ mức 11 triệu đồng/tháng hiện nay không đủ sống ở đô thị, nên không thể coi đó là mức thu nhập cao phải đóng thuế. Thêm vào đó, Luật Thuế TNCN cũng bộc lộ hạn chế khác khi nhiều khoản trợ cấp phát sinh không thuộc phạm vi tiền lương, tiền công như trợ cấp tinh thần, giảm biên chế, trợ cấp một lần khi đăng ký nghỉ hưu sớm, lại chưa được giảm trừ trong quá trình xác định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, trong khi những khoản trợ cấp này lại phản ánh việc người chịu thuế đang lâm vào tình trạng khó khăn.
Mức đóng thuế với người phụ thuộc, theo quy định hiện nay là 4,4 triệu đồng/người/tháng. Số tiền này không đủ để nuôi 1 đứa trẻ ở thành phố, lại càng không đủ để chăm sóc một người già không còn sức lao động, chi phí thuốc men, đi lại, bệnh viện đều tăng cao. Do đó, mức này phải tăng cao hơn nữa, tăng như thế nào cần có tính toán chính xác về mức sống tối thiểu.
Phải xây dựng mức sống tối thiểu khác đi, không thể để mức áp dụng hàng chục năm, trong khi đời sống nâng cao, lạm phát, giá cả tăng. Đối với mức đóng thuế với người phụ thuộc, theo tôi nên được xem xét điều chỉnh theo từng năm. Tóm lại, Bộ Tài chính cần tính toán nâng lên để việc đóng thuế thu nhập thực sự trở thành công cụ kiểm soát người có thu nhập cao.
Luật Thuế TNCN sửa đổi năm 2012 có quy định: “Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng CPI biến động hơn 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”. Nhưng thực tế CPI và tiền lương từ năm 2012 đến 2019 liên tục tăng.
Số liệu thống kê cho thấy, CPI nước ta từ năm 2013 đến năm 2019 (thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19) đã tăng 23,55%. Nghĩa là CPI đã vượt xa mức tối thiểu 20% để Chính phủ có thể xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế.
Đồng thời, số liệu tổng hợp cũng cho thấy tỷ lệ tăng CPI (23,55%) chậm hơn rất nhiều so với tỷ lệ tăng mức lương cơ sở (36,79%) và tỷ lệ tăng mức lương tối thiểu (60,91%). Do đó, Luật Thuế TNCN cũng nên xem xét căn cứ vào tỷ lệ tăng tiền lương để thay đổi mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp. Bởi tiền lương gắn bó mật thiết với thu nhập của người lao động, và tỷ lệ tăng tiền lương được Chính phủ ban hành định kỳ hàng năm, sau khi tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý lao động và cộng đồng doanh nghiệp.
Tôi cho rằng biểu thuế lũy tiến từng phần gồm 7 bậc thuế như hiện nay là quá dày đặc, không phù hợp nữa. Mức thuế suất hiện nay cũng quá cao, gần gấp đôi thuế suất thu nhập doanh nghiệp. Do đó, nên rút gọn từ 7 bậc lũy tiến như hiện nay về còn 3 bậc.
Trong đó, bậc thấp cho nhóm thu nhập dưới 30 triệu đồng/tháng, bậc trung bình từ trên 30 đến 100 triệu đồng/tháng, và bậc cao từ 100 triệu đồng/tháng trở lên. Về thuế suất, bậc thấp chỉ nên thu thuế ở mức 2% thay vì 5% như hiện nay, bậc trung bình thuế suất tính 10% và bậc cao thuế suất tính 20%. Cách thiết kế này sẽ giúp người dân dễ hiểu và dễ thực hiện, nhất là nhóm thu nhập dưới 30 triệu đồng/tháng.
PGS (HN:PGS).TS ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính (Hoàng Sơn ghi)