Vietstock - Chính sách đi chậm
Nếu “chiếu” theo quy định chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vượt 20% phải điều chỉnh thì lẽ ra luật Thuế thu nhập cá nhân phải được điều chỉnh từ khoảng gần 2 năm trước.
Thay vì đi trước, đón đầu, tạo hành lang pháp lý cho người dân, doanh nghiệp “cứ thế mà chạy”, thì việc chậm ban hành một số quy định, chính sách của cơ quan quản lý gây thiệt thòi cho các đối tượng thụ hưởng cũng như khiến thị trường lúng túng, không biết phải vận hành như thế nào.
Đơn cử như luật Thuế thu nhập cá nhân. Nếu “chiếu” theo quy định chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vượt 20% phải điều chỉnh thì lẽ ra luật thuế này phải được điều chỉnh từ khoảng gần 2 năm trước. Thế nhưng tới tận lúc này, Bộ Tài chính vẫn chưa có động thái gì dù các ngưỡng thuế đã quá lạc hậu, lỗi thời.
Bộ chậm nhưng dân chịu. Mặt bằng giá cả cao hơn, chi phí cuộc sống tăng mạnh nhưng thuế suất với người nộp thuế (9 triệu đồng) và mức chiết trừ gia cảnh 3,6 triệu đồng/người đứng yên khiến khoản thuế phải nộp tăng lên. Năm nay thì càng khó vì một loạt các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như học phí, viện phí, điện, nước, xăng dầu... đều tăng giá.
Chi phí cuộc sống tăng, thuế phải nộp tăng... thì chất lượng đời sống đi xuống. Nhưng kêu mấy năm nay, Bộ Tài chính vẫn “kệ”. Trong khi lẽ ra, những chính sách lên quan trực tiếp đến mâm cơm của mỗi gia đình, chi phí nuôi dạy con cái... phải được quan tâm sát sườn, phải được điều chỉnh ngay khi thấy chưa hợp lý, lạc hậu hay gây thiệt thòi cho người dân.
Tương tự chuyện giá điện mặt trời ưu đãi đã hết hiệu lực cách đây cả tháng trời nhưng biểu giá mới vẫn chưa được ban hành khiến các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đều lúng túng. Nhất là trong khi năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ "gánh" một phần nhu cầu điện ngày càng tăng và tình trạng thiếu điện ngày càng trầm trọng hiện nay. Quan trọng hơn, việc “ngưng” giữa chừng ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý hứng khởi của cả người dân và doanh nghiệp đầu tư. Việc “nhà điện” mua điện dư của các hộ lắp điện mặt trời áp mái mấy tháng nay đang được người dân hưởng ứng mạnh mẽ. Nhưng giờ chưa có giá mới, họ lại e dè, không biết có nên lắp hay đợi.
Các doanh nghiệp cũng tương tự, sau khi chạy đua khởi công dự án kịp ưu đãi nay cũng chững chờ giá. Lẽ ra cơ quan có thẩm quyền phải tính trước việc này để có khung giá mới phù hợp ngay khi thời hạn áp dụng giá ưu đãi hết hiệu lực để không “mất trớn” thị trường năng lượng tái tạo mới vào đà như nói trên mới đúng.
Hay quy định tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 m đến dưới 15 m chỉ được phép hoạt động tại vùng lộng, không được hoạt động tại vùng khơi ban hành cuối tháng 3 vừa rồi cũng khiến hàng ngàn tàu cá đánh bắt xa bờ phải nằm bờ vì không đủ chiều dài. Đáng nói là trước đó chỉ quy định công suất nên các chủ tàu lo đáp ứng đủ công suất. Đóng xong rồi mới quy định về chiều dài khiến họ trở tay không kịp. Chỉ tính riêng Phú Yên có gần 800 tàu thừa công suất nhưng thiếu chiều dài phải nằm bờ chờ tỉnh đề xuất, kiến nghị điều chỉnh.
Chính sách đi chậm, thiệt hại đã rõ ràng nên quan trọng lúc này là các cơ quan có thẩm quyền phải nhanh chóng sửa đổi, điều chỉnh để hạn chế tối đa những thiệt hại cũng như bất cập cho người dân, doanh nghiệp và để thị trường vận hành thông suốt.
Nguyên Khanh