Vietstock - Làm gì để GDP 5 năm tới đạt 6,5-7%/năm?
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm giai đoạn 2021-2025 như Quốc Hội đề ra, năm 2022 được xem như bản lề quan trọng của quá trình này. Quốc hội đã ra nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Nếu thực hiện có hiệu quả, đây là một trong những yếu tố giúp kinh tế Việt Nam bật mạnh trong năm 2022.
Doanh nghiệp kỳ vọng năm 2022 sẽ tươi sáng. ảnh minh họa: Như Ý |
Năm 2021, bức tranh kinh tế bao phủ nhiều gam trầm, thậm chí tăng trưởng GDP quý 3 âm 6,17%. Giãn cách xã hội kéo dài ở tỉnh phía Nam, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, chỉ tới khi Nghị quyết 128 quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” ra đời, nhiều bất cập mới phần nào được tháo gỡ.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần May 10 cho biết, sau Nghị quyết 128 , doanh nghiệp đã tập trung ngay vào sản xuất kinh doanh, người lao động động viên nhau làm thêm giờ. “Quý 4/2021, công ty giải quyết được những đơn hàng tồn đọng do ảnh hưởng COVID-19. Ba tháng cuối năm đã bù đắp được khó khăn của 3 quý trước”, ông Việt nói và cho biết, doanh nghiệp đã trụ được và tin tưởng 2022 là năm tươi sáng, hồi phục. May 10 đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 30% so với 2021 nhất là khi đơn hàng doanh nghiệp này đã nhận tới hết quý 1/2022.
Ông Đặng Hồng Anh, Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC cho biết, ảnh hưởng dịch bệnh, hoạt động của doanh nghiệp thời gian qua như 1 cái lò xo bị nén lại. Trong thời gian đó, công ty đã xây dựng định hướng phát triển, đội ngũ, chuẩn bị kế hoạch hành động bù đắp cho khoảng thời gian giãn cách. “Chúng tôi nhìn thấy rất nhiều cơ hội trong tương lai, và mong Chính phủ, các bộ ngành tiếp tục có giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp về tài chính, hệ sinh thái, chuỗi cung ứng và đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ các dự án, bù đắp thời gian giãn cách”, ông Hồng Anh đề xuất.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự kiến khi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội được triển khai sẽ tác động làm tăng trưởng kinh tế thêm khoảng 2,9% trong năm 2022, và 0,2% trong năm 2023, tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5-7%/năm. |
Những đầu kéo tăng trưởng
Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã thông qua gói kích thích kinh tế, đặt mục tiêu tăng trưởng GDP. Chính phủ cũng vừa thông qua Nghị quyết số 01 và 02, về điều hành kinh tế vĩ mô và về các giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.
Chính phủ xác định 3 trọng tâm trong năm nay gồm: Khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội kỳ vọng, trong tháng 1 này, Chính phủ sẽ ban hành các biện pháp cụ thể. Ông Hiếu nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là chương trình có thời hạn, các chính sách này bổ sung chứ không thay thế bất kỳ một chương trình hay nghị quyết nào khác, không thay thế các nhiệm vụ mà Chính phủ phải thực hiện trong nhiệm vụ thường xuyên của mình. Thời gian thực hiện trong 2 năm. Mục tiêu tăng trưởng trung bình 6,5-7,0% giai đoạn 2021 - 2025”.
Trong đó, nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp rất quan trọng. Ngoài tác động trực tiếp của chính sách tài khoá tiền tệ thì giá trị lớn hơn của gói hỗ trợ là tạo ra cơ hội kinh doanh cho toàn bộ doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, theo ông Hiếu, quan trọng nhất là khả năng hấp thụ. Doanh nghiệp khi vay vốn buộc phải đổi mới mô hình, thay đổi phương thức kinh doanh mới phù hợp hơn. Cơ hội về vốn Nhà nước đã tạo ra, có tiền rồi mà doanh nghiệp không thay đổi phương thức, lập kế hoạch cụ thể, hiệu quả chương trình sẽ giảm đi.
Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển châu Á (ADB) nhận định, kiểm soát dịch bệnh và độ phủ vắc xin vẫn là các yếu tố quyết định cho phục hồi kinh tế. Ông Cường cho rằng, 2 yếu tố giúp Việt Nam bật mạnh trong năm 2022 là kinh tế số và chương trình phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, giải ngân chương trình phục hồi kinh tế sẽ phức tạp hơn do có nhiều hạng mục, nhiều nguồn vốn, nhiều cơ chế điều kiện khác nhau; nhiều chính sách biện pháp khác nhau và chưa có sự phân biệt rõ giữa đầu tư công trong khuôn khổ kế hoạch phục hồi kinh tế với đầu tư công trong kế hoạch đã được duyệt. Do vậy, việc thực hiện và giải ngân kịp thời chương trình phục hồi kinh tế là tối quan trọng trong năm 2022 - 2023.
Năm 2022, các tổ chức quốc tế đều có chung dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam là 5,5% so với 2,6% năm 2021. Mức dự báo của WB thấp hơn con số dự kiến của một số tổ chức như Ngân hàng HSBC (6,5%), Ngân hàng Standard Chartered (6,7%). |
Việt Linh