Vietstock - Lãi suất và trái phiếu Chính phủ
Trong bối cảnh lợi suất xuống mức thấp kỷ lục, các ngân hàng hiện nay cũng không còn mặn mà đầu tư vào trái phiếu Chính phủ (TPCP), do đó, lượng vốn trái phiếu đáo hạn lớn trong những tháng gần đây đã giúp thanh khoản nhiều nhà băng dồi dào trở lại, tạo điều kiện ổn định lãi suất.
Tiền lớn từ trái phiếu Chính phủ đáo hạn
Trong 8 tháng đầu năm 2021, lượng trái phiếu Chính phủ đáo hạn lên tới hơn 1.7 triệu tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ. Đặc biệt lượng đáo hạn tập trung khối lượng lớn trong những tháng gần đây. Cụ thể, tháng 6 chứng kiến lượng TPCP đáo hạn kỷ lục lên đến 339,000 tỷ đồng, cao nhất trong năm nay tính theo lượng đáo hạn hàng tháng. Con số này cũng gấp hơn 5.7 lần so với lượng đáo hạn của tháng 6 cùng kỳ năm 2020. Đến tháng 7, giá trị TPCP đáo hạn là 229,000 tỷ đồng và tháng 8 là 156,000 tỷ đồng.
Trong khi đó, lượng TPCP phát hành thành công trong tháng 6 chỉ ở mức 31,800 tỷ đồng, còn tháng 7 là gần 32,500 tỷ đồng và tháng 8 tính đến ngày 24/8 cũng ở mức khá khiêm tốn là hơn 32,300 tỷ đồng. Theo đó, tổng lượng TPCP phát hành mới thành công 8 tháng đầu năm nay chỉ ở mức hơn 206,000 tỷ đồng, tương đương 12% lượng TPCP đã đáo hạn. Nói cách khác, chênh lệch giữa lượng TPCP đáo hạn và lượng mua mới của các tổ chức lên tới 1.5 triệu tỷ đồng trong gần 8 tháng qua, đồng nghĩa với một lượng lớn thanh khoản ròng từ kênh TPCP đã quay lại hệ thống.
Thông thường nhà đầu tư chính trên thị trường TPCP là ngân hàng và công ty bảo hiểm, trong đó tỷ lệ nắm giữ TPCP của các ngân hàng khoảng 45%, có thể thấy lượng thanh khoản ròng mà các ngân hàng nhận được từ các TPCP đáo hạn là khá lớn từ đầu năm đến nay. Chính điều này là một trong những yếu tố quan trọng giúp thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào trở lại trong 2 tháng gần đây.
Không có nhu cầu đẩy mạnh phát hành huy động vốn
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp với đợt bùng phát thứ 4 kéo dài suốt 4 tháng qua, 19 tỉnh, thành phố phía Nam đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và một số địa phương khác cũng thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, không chỉ hoạt động của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, các dự án đầu tư công cũng buộc phải triển khai chậm lại hoặc thậm chí phải tạm dừng, do đó, Chính phủ cũng không có nhu cầu tăng mạnh lượng trái phiếu phát hành để gọi vốn.
Số liệu từ Tổng Cục Thống kê cho thấy, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7/2021 ước tính đạt 38.3 nghìn tỷ đồng, giảm 1.7% so với tháng trước và giảm 12.4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 210.8 nghìn tỷ đồng, chỉ mới đạt 44.3% kế hoạch năm và tăng nhẹ 5.6% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ tiến độ giải ngân của những tháng trước đó.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm cũng khiến lượng vốn của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tồn đọng trong hệ thống ngân hàng ở mức khá lớn, giúp không ít nhà băng có thêm nguồn vốn rẻ để kinh doanh, giảm áp lực lên hoạt động huy động vốn trên thị trường dân cư. Cũng chính vì lượng vốn nhàn rỗi ở mức cao và các dự án đầu tư công chậm trở lại, KBNN đã bắt đầu tiến hành mua lại TPCP trước hạn, càng giúp hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng.
Lợi suất TPCP thấp giúp ổn định lãi suất thị trường
Đáng lưu ý là cũng vì không có nhu cầu huy động vốn lớn, KBNN tiếp tục giữ lợi suất phát hành TPCP ở mức thấp kỷ lục, đồng thời cũng tận dụng mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay để mua lại trước hạn các TPCP đã phát hành với lãi suất cao trước đây như đã nói, nhằm giảm chi phí lãi cho ngân sách.
Trong khi đó, trên thị trường thứ cấp, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang mua ròng trái phiếu Chính phủ với giá trị 10,148 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay, chủ yếu tại các kỳ hạn ngắn dưới 5 năm. Việc khối ngoại vẫn mua ròng cộng thêm hãng Moody’s gần đây giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam và nâng triển vọng lên tích cực càng giúp nhà điều hành có thêm cơ sở và điều kiện để giữ lãi suất phát hành ở mức thấp.
Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất trúng thầu TPCP giảm đều ở tất cả các kỳ hạn và hiện đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Cụ thể, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm thấp nhất chỉ còn quanh 0.8%, giảm 30 điểm cơ bản (bps) so với đầu năm (ytd) và giảm 90 điểm cơ bản so với cùng kỳ (yoy). Kỳ hạn 10 năm là 2.05%, (-10 bps ytd, -80 bps yoy); kỳ hạn 15 năm là 2.26% (-12 bps ytd, -80 bps yoy); kỳ hạn 20 năm là 2.83% (-6 bps ytd, -50 bpd yoy); kỳ hạn 30 năm là 3.01% (-10 bps ytd, -50 bps yoy).
Chính lợi suất thấp như thế cũng khiến các ngân hàng e ngại và hạn chế đầu tư mới vào TPCP, vì vậy lượng thanh khoản ròng có được qua kênh TPCP ở mức khá lớn. Điều này cũng giúp các nhà băng giảm nhu cầu huy động vốn từ khách hàng, càng tạo điều kiện giảm lãi suất huy động trở lại trong thời gian gần đây.
Thực tế, báo cáo tài chính quý 2 của các ngân hàng cũng giúp củng cố luận điểm này. Theo báo cáo của Agribank, lượng TPCP nằm tại khoản mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán của nhà băng này đến cuối tháng 6 chỉ còn 59.7 nghìn tỷ đồng, giảm ròng 23.3 nghìn tỷ đồng so với đầu năm, tương đương giảm 28%. Tương tự, lượng TPCP của MB nắm giữ giảm 7.3 nghìn tỷ đồng, tương đương giảm 14%; VIB giảm 7.4 nghìn tỷ đồng, tương ứng giảm 63%; Sacombank (HM:STB) giảm 12 nghìn tỷ đồng, tương ứng giảm 23%; MSB giảm 5.5 nghìn tỷ đồng, tương ứng giảm 16%,…
Tổng lượng TPCP phát hành mới thành công 8 tháng đầu năm nay chỉ ở mức hơn 206,000 tỷ đồng, tương đương 12% lượng TPCP đã đáo hạn. Nói cách khác, chênh lệch giữa lượng TPCP đáo hạn và lượng mua mới của các tổ chức lên tới 1.5 triệu tỷ đồng trong gần 8 tháng qua, đồng nghĩa với một lượng lớn thanh khoản ròng từ kênh TPCP đã quay lại hệ thống. |
Phan Thụy