Vietstock - Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục tăng nóng
Đầu tháng 9, các ngân hàng tiếp tục tăng mạnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân ở hầu hết các kỳ hạn. Có ngân hàng tăng đến 08-09 điểm phần trăm so với kỳ điều chỉnh trước.
Các ngân hàng điều chỉnh tăng mạnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ 0.1-0.9 đểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn như Bac A Bank, VietABank, MB, Sacombank…
Từ ngày 26/08/2022, Bac A Bank tăng từ 0.1-0.15 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống tăng lên mức 4%/năm, kỳ hạn từ 6-9 tháng tăng lên mức 6.5%/năm, kỳ hạn 12 tháng tăng lên 6.9%/năm và trên 12 tháng tăng lên 7%/năm.
VietABank cũng chỉ tăng nhẹ 0.1 điểm phần trăm tất cả các kỳ hạn tại kỳ điều chỉnh 11/08/2022, nâng lãi suất kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống lên 4%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng lên 6.1%/năm kỳ hạn 12 tháng lên 6.7%/năm và trên 12 tháng là 7%/năm.
Từ ngày 30/08/2022, Sacombank (HM:STB) tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ 0.1-0.55 điểm phần trăm so với kỳ điều chỉnh trước. Ngân hàng nâng mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng lên 3.9%/năm, kỳ hạn 6 tháng lên 5.4%/năm và 12 tháng lên 6%/năm…
ABBank là nhà băng có mức tăng lãi suất cao nhất so với kỳ điều chỉnh trước. Thay đổi biểu lãi suất tiền gửi từ ngày 12/08, ABBank tăng mạnh từ 0.7-0.9 điểm phần trăm lãi suất ở một số kỳ hạn. Ví dụ với khoản tiền gửi từ 10-300 triệu đồng, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng tăng 0.8 điểm phần trăm lên 6.4%/năm, kỳ hạn 9 tháng tăng 0.9 điểm phần trăm lên 6.6%/năm và kỳ hạn trên 12 tháng tăng 0.7 điểm phần trăm lên 6.7%/năm.
Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân tính đến đầu tháng 09/2022 phổ biến ở mức 3-4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; từ 4-6.5%/năm với kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng; và 5.6-7.3%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng.
Tính đến ngày 08/09/2022, ở kỳ hạn 12 tháng, SCB là ngân hàng có lãi suất tiền gửi cao nhất với 7.3%/năm. Xếp ngay đó là DongABank (7%/năm) và Bac A Bank (6.9%/năm).
Ở kỳ hạn 6 tháng, Bac A Bank và NCB áp dụng mức lãi suất cao nhất 6.5%/năm, kế đến là DongABank và ABBank cùng ở mức 6.4%/năm.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân tại các ngân hàng tính đến ngày 08/09/2022
|
Theo nhận định của CTCK Agribank (Agriseco), trong 6 tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại có dấu hiệu tăng lãi suất huy động trước nguy cơ lạm phát cùng việc chịu áp lực thanh khoản hệ thống khi tăng trưởng tín dụng luôn duy trì cao hơn tăng trưởng huy động.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm đạt mức 9.35% trong khi huy động vốn chỉ tăng khoảng 4.5%. Và từ đầu tháng 7 đến nay, nhiều nhà băng đã đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm.
Trước động thái đó, SSI (HM:SSI) Research đánh giá, do chênh lệch tăng trưởng tín dụng - tiền gửi hiện ở mức cao và tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước có thể không còn dồi dào, nếu đầu tư công bắt đầu được đẩy mạnh. Do đó, áp lực tăng lãi suất huy động trong nửa cuối năm 2022 là hiện hữu, nếu hạn mức tín dụng được nới.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng sẽ có nhu cầu tăng vốn dài hạn, do mức trần tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn sẽ được điều chỉnh từ 37% xuống 34% và cho vay dài hạn có thể là động lực tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm 2022.
Từ đó, SSI Research dự báo lãi suất huy động có thể tăng thêm 50-70 điểm cơ bản sau khi nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Cả năm 2022, lãi suất huy động có thể tăng 1-1.5%.
Ngày 06/09, dựa trên kết quả xếp hạng mới nhất theo Thông tư 52/2018/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các TCTD có đề nghị và có thông báo gửi các TCTD này. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành theo các nội dung đã đề ra tại Chỉ thị 01, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. |
Cát Lam