Vietstock - Kinh tế Việt Nam trước xung đột Nga - Ukraine và động thái của Fed
Động thái tăng lãi suất của Fed được cho là sẽ tác động lên tỷ giá và thị trường chứng khoán Việt Nam. Thêm vào đó, tình hình xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài làm đứt gãy chuỗi cung ứng nhiên liệu, nông sản, tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế.
Fed tăng lãi suất có thể khiến tỷ giá USD/VND tăng
Sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Mỹ đã kéo theo giá tiêu dùng tăng vọt. Các chương trình tiêm chủng vaccine và một số gói kích cầu đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng tăng cao, trong khi nguồn cung hạn chế do đại dịch gây ra cũng như tình trạng thiếu lao động, tồn đọng sản xuất, tắc nghẽn vận chuyển và ngừng hoạt động ở nước ngoài đã đẩy giá lên cao hơn.
Bộ Lao động Mỹ hôm 10/03 thông báo, tỷ lệ lạm phát đã tăng lên 7.9%, mức cao nhất trong vòng 40 năm. Lạm phát từ tháng 1 tới tháng 2 năm nay tăng 0.8% so với mức tăng 0.6% từ tháng 12/2021 tới tháng 1/2022.
Ngày 17/03, Ngân hàng trung ương Anh (BOE) đã quyết định tăng lãi suất từ 0.5% lên 0.75% trong một nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát tăng cao do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Đây là lần thứ ba liên tiếp BOE tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều thập niên. BOE cho biết lạm phát giá tiêu dùng tại Anh dự kiến sẽ chạm “đỉnh”, lên tới khoảng 8% vào tháng 4 tới - mức cao nhất kể từ cuộc suy thoái nghiêm trọng vào đầu những năm 1990 và vượt xa mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng này đề ra. |
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất 0.25 điểm phần trăm trong ngày 16/03 vừa qua và tuyên bố trong năm nay sẽ có thể tăng 6 lần. Mức tăng cho cả năm có thể lên đến 2 điểm phần trăm cũng nhằm kiềm chế lạm phát.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế cho biết, tình hình này sẽ có nhiều tác động đến Việt Nam.
Thứ nhất là tác động lên tỷ giá. Khi Fed tăng lãi suất làm giá trị đồng USD tăng lên và lạm phát ở Việt Nam cũng đang tăng thì có thể tỷ giá USD/VND cũng tăng.
Tỷ giá tăng sẽ có tác động hai chiều khác nhau. Một mặt có lợi cho nhà xuất khẩu, vì họ bán hàng và nhận lại USD, khi đổi sang VND (HM:VND) sẽ nhận được lượng tiền nhiều hơn. Trái lại, nhà nhập khẩu sẽ bất lợi, vì họ sẽ phải mua USD với giá cao hơn, do đó giá hàng nhập khẩu tính theo VND sẽ tăng lên.
Trên thị trường chứng khoán, đồng USD tăng thì tất cả tài sản được định giá trên USD, trong đó có chứng khoán Mỹ sẽ tăng giá trị, từ đó nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay trở về với thị trường truyền thống của họ và rút tiền khỏi thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, đầu tư trực tiếp chưa chắc chắn bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư ngoại.
Áp lực lạm phát tăng
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trong trường hợp xung đột Nga - Ukraine kéo dài hơn, tình hình kinh tế toàn cầu càng ảm đạm hơn. Trong đó Việt Nam, nước phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu, sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều.
Trong kịch bản tốt nhất là Nga và Ukraine tìm được giải pháp để chấm dứt xung đột trong vòng 6 tháng tới, kinh tế thế giới sẽ trở lại bình thường và nền kinh tế Việt Nam sẽ chỉ chịu ảnh hưởng trong giới hạn nhất định vì nước ta không có nhiều ngoại thương với Nga hoặc Ukraine. Việt Nam xuất sang và nhập khẩu từ Nga chỉ khoảng 1%/GDP, không đáng kể.
Nhìn chung, kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi lạm phát của Mỹ và tình hình chiến sự trên thế giới. Việt Nam sẽ nhập khẩu lạm phát qua giá hàng hóa nhập từ nước ngoài tăng, trong đó có xăng dầu, từ đó đẩy lạm phát tăng lên.
Chia sẻ với báo chí gần đây, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá Tổng Cục Thống kê - bà Nguyễn Thu Oanh cho biết, áp lực lạm phát trong năm 2022 sẽ phụ thuộc vào khả năng phục hồi của kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ thì áp lực lạm phát sẽ đến từ cả phía cung và phía cầu vì kinh tế nước ta có độ mở lớn, nhiều nguồn nguyên liệu sản xuất là nhập khẩu.
Cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng đang dần tăng cao, thậm chí sự phục hồi về nhu cầu này còn có thể nhanh hơn khả năng đáp ứng của doanh nghiệp, khiến giá tăng và tạo áp lực cho lạm phát.
Cát Lam