Vietstock - Kiểm toán Nhà nước: Một số tổ chức tín dụng đầu tư không hiệu quả
Theo Kiểm toán Nhà nước, một số tổ chức tín dụng đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Đơn cử, Tổng công ty CP Bảo hiểm Bưu điện có lãi từ hoạt động đầu tư ngắn hạn và dài hạn chỉ đạt 0,1%/năm.
* VDB lỗ nặng 4.873 tỉ đồng, nguy cơ mất vốn ở nhiều khoản nợ
Một số ngân hàng hạch toán doanh thu chưa hợp lý. Ảnh: Vietinbank (HM:CTG)
|
Tại báo cáo kiểm toán gửi đến Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước đã báo cáo kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và 10 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
Theo đó, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, năm 2018, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát cơ bản bình quân cả năm 1,48%, lạm phát bình quân ở mức 3,54%; góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%; tỷ giá và thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng 12%.
Hầu hết các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm được kiểm toán đều đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động (trừ Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam có tỷ lệ dự trữ thanh khoản 8,7%, chưa đáp ứng tỷ lệ tối thiểu theo quy định của NHNN là 10%); kinh doanh có lãi (lợi nhuận trước thuế của BIDV (HM:BID) 9.391 tỉ đồng; Vietinbank 6.558 tỉ đồng…) hoặc chênh lệch thu chi dương (trừ VDB chênh lệch thu chi năm 2018 âm 866 tỉ đồng, lũy kế đến 31.12.2018 âm 4.873 tỉ đồng).
Không đạt mục tiêu giảm lãi suất cho vay
Cụ thể, lãi suất cho vay bình quân năm 2018 là 10,04%, tăng 0,18% so với năm 2017, không đạt mục tiêu giảm lãi suất cho vay theo Nghị quyết số 01 của Chính phủ.
Một số tổ chức tín dụng (TCTD) tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của NHNN, như Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam, với 568 tỉ đồng; Ngân hàng TMCP Bảo Việt (HN:BVS), với 443 tỉ đồng; Ngân hàng TMCP Việt Á 427, với tỉ đồng; Công ty Tài chính Kexim Việt Nam, với 354 tỉ đồng; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín, với 124 tỉ đồng; Ngân hàng TMCP An Bình, với 30 tỉ đồng.
Một số đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Đơn cử, Tổng công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) có lãi từ hoạt động đầu tư ngắn hạn và dài hạn chỉ đạt 0,1%/năm, thấp hơn lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại.
Đến 31.12.2018, PTI phải trích lập dự phòng các khoản đầu tư 163 tỉ đồng; góp 88 tỉ đồng thành lập Công ty CP Bất động sản bưu điện từ năm 2008 chỉ nhận được 1 tỉ đồng cổ tức, đến 31.12.2018, lỗ lũy kế 0,5 tỉ đồng; ủy thác đầu tư 34 tỉ đồng thời hạn 2 năm cho Công ty CP Bất động sản bưu điện để đầu tư Dự án biệt thự nghỉ dưỡng hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt, dự án chậm tiến độ, hết thời hạn ủy thác chưa thu hồi được vốn đầu tư phải gia hạn hợp đồng ủy thác; khoản ủy thác cho vay 45 tỉ đồng để Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Thăng Long cho vay Công ty CP Vận tải biển VISHIP đã quá hạn từ năm 2011, thu hồi từ việc bán đấu giá tài sản được 6,6 tỉ đồng, số còn lại phải trích lập dự phòng 100%.
Hay Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC), đến 31.12.2018 trích lập dự phòng 239/711 tỉ đồng vốn đầu tư; năm 2018 không được nhận cổ tức từ 25 đơn vị DATC đầu tư dưới hình thức chuyển nợ thành vốn góp (580 tỉ đồng) do các đơn vị hoạt động cầm chừng, sản xuất kinh doanh thua lỗ.
Hạch toán không hợp lý
Theo Kiểm toán Nhà nước, VDB góp 3.690 tỉ đồng vào Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam để đầu tư Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dự án chưa cân đối được dòng tiền, VDB không thu được lợi nhuận kể từ khi góp vốn năm 2007.
Một số ngân hàng hạch toán doanh thu, thu nhập, chi phí chưa phù hợp, chính xác như Vietinbank hạch toán thừa lãi dự thu 307 tỉ đồng, BIDV 234,8 tỉ đồng…
Hầu hết các tổ chức tín dụng được kiểm toán còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay, như thẩm định thiếu chặt chẽ; định kỳ chưa đánh giá lại tài sản bảo đảm; giải ngân bằng tiền mặt nhưng thiếu chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay; không kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay...
Chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2018 vượt dự toán 5.250 tỉ đồng Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cũng kết luận, hầu hết Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố còn cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế. Kiểm toán Nhà nước phát hiện năm 2018 cấp trùng 18.623 thẻ, tương ứng 9,5 tỉ đồng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Còn tình trạng nợ đọng, chậm đóng các quỹ bảo hiểm với số tiền nợ đến 31.12.2018 là 11.842 tỉ đồng, chiếm 3,4% số phải thu năm 2018, trong đó số nợ đọng của các doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ doanh nghiệp là người nước ngoài bỏ trốn 502 tỉ đồng chưa có quy định xử lý; chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2018 vượt dự toán được Thủ tướng giao 5.250 tỉ đồng. Còn tình trạng chi trợ cấp thất nghiệp, hưởng bảo hiểm xã hội một lần không đúng đối tượng (2.992 trường hợp được hưởng trợ cấp thất nghiệp 14 tỉ đồng trong thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; 1.695 trường hợp được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần 38,6 tỉ đồng nhưng vẫn tham gia đóng bảo hiểm xã hội). |
Vũ Hân