Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VII đã có nhiều phát hiện và kiến nghị đáng lưu ý khi kiểm toán tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại (NHTM). Chiều 20/12, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chuyên ngành VII tổ chức Tọa đàm Chia sẻ kinh nghiệm về các sai sót thường gặp trong lĩnh vực kiểm toán tài chính ngân hàng với sự tham gia của toàn thể công chức trong đơn vị.
Tại Tọa đàm, ông Vũ Văn Cường - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII - cho biết, những năm qua, KTNN chuyên ngành VII có nhiều kiến nghị mang tính vĩ mô hơn đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, qua đó, giúp Quốc hội, Chính phủ có cơ sở đánh giá công tác này.
Theo các chia sẻ tại Tọa đàm, nhiều nội dung liên quan đến công tác điều hành chính sách tiền tệ đã được KTNN chuyên ngành VII tập trung đánh giá sâu hơn những năm gần đây. Cụ thể, đoàn kiểm toán đã đánh giá công tác điều hành lãi suất có phù hợp hay không, có đạt mục tiêu mà Quốc hội cũng như Chính phủ đề ra không.
Bên cạnh đó, KTNN cũng đã đánh giá vấn đề được Quốc hội quan tâm như hạn mức tín dụng. Đặc biệt, từ năm 2020 đến năm 2022, báo cáo kiểm toán năm nào cũng đánh giá sâu về việc phân bổ hạn mức tín dụng có phù hợp hay không, có đảm bảo công khai, minh bạch hay không và có tuân thủ quy định không.
Qua đó, KTNN chuyên ngành VII đã chỉ ra một số tổ chức tín dụng vượt trần hạn mức tín dụng nhưng đến nay, NHNN chưa có biện pháp xử lý cứng rắn để chấm dứt tình trạng này.
Ngoài ra, việc cung ứng tiền hay không hay vấn đề dự trữ bắt buộc, điều hành thị trường mở cũng được KTNN đánh giá.
Điều đáng nói, theo ông Nguyễn Xuân Toàn - Trưởng Phòng Ngân hàng 1, KTNN chuyên ngành VII, từ phát hiện và kiến nghị kiểm toán, NHNN đã tiếp thu, chỉnh sửa rất nhiều nội dung liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ để công tác này đảm bảo tính tuân thủ và phù hợp hơn với thực tế.
Bên cạnh việc kiểm toán báo cáo tài chính tại NHNN, KTNN chuyên ngành VII còn kiểm toán một số ngân hàng thương mại. Theo ông Đinh Thế Anh - Trưởng Phòng Tổng hợp, KTNN chuyên ngành VII, qua kiểm toán, KTNN đã có những phát hiện chủ yếu liên quan đến việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, hạch toán các khoản thu nhập, chi phí, đặc biệt là khoản chi phí về dự phòng rủi ro tín dụng và các khoản thu nhập từ hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, KTNN còn phát hiện những sai sót trong việc trình bày, phát hành báo cáo tài chính và công tác quản lý hoạt động của ngân hàng.
KTNN chuyên ngành VII cũng từng bước đánh giá việc xây dựng hệ thống chấm điểm, xếp hạng tín dụng nội bộ của một số ngân hàng thương mại chưa phù hợp, dẫn đến việc phân loại nợ của các tổ chức tín dụng không phù hợp.
Để nâng cao năng lực của kiểm toán viên khi kiểm toán ngân hàng thương mại, ông Đinh Thế Anh cho rằng, kiểm toán viên phải nắm vững các chuẩn mực KTNN cũng như các phương pháp kiểm toán.
Trong quá trình kiểm toán, kiểm toán viên cần nghiêm túc thực hiện quy chế của đoàn, tổ kiểm toán; thực hiện đúng các nội dung, mục tiêu, phạm kiểm toán.
Trong môi trường chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ tại các ngân hàng, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán là rất cần thiết đối với các kiểm toán viên.
Ngoài việc trang bị các kiến thức về kiểm toán, kiểm toán viên cần phải tự đào tạo, nghiên cứu và phải đào tạo liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán cũng như thực hiện kiểm toán các nội dung về công nghệ thông tin tại các ngân hàng thương mại.
Cùng với đó, nhiều ý kiến cho rằng, kiểm toán viên cần am hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực ngân hàng và các quy định về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí để đưa ra kiến nghị phù hợp.
>> Nóng: Phó Thủ tướng yêu cầu thanh tra Ngân hàng Nhà nước