Vietstock - Không điều chỉnh mục tiêu GDP năm 2020
Quốc hội thống nhất chưa điều chỉnh các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, trong đó có chỉ tiêu GDP tăng 6,8%.
Kết luận phiên thảo luận kinh tế xã hội chiều 15/6, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói "Quốc hội thống nhất chưa điều chỉnh các mục tiêu kinh tế, xã hội 2020" theo Nghị quyết của Quốc hội, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2020.
Nói trước Quốc hội, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho biết, việc không điều chỉnh này cũng là kết luận của Bộ Chính trị ngày 5/6 sau khi đánh giá tình hình.
Thay vào đó, Chính phủ sẽ chủ động điều hành các chính sách tiền tệ, tài khoá, thương mại, đầu tư và các chính sách khác để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và bảo đảm an sinh xã hội. Ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công phù hợp với thực tế.
Tuy nhiên, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị: "Giảm thu phải tương ứng với giảm chi. Tăng cường tiết kiệm chi, giảm 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước; tiết kiệm 10% chi thường xuyên khác năm 2020".
Trường hợp sau khi tiết kiệm các nguồn nhưng còn khó khăn, Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu ngân sách tại kỳ họp thứ 10 vào cuối năm 2020.
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
|
Tuy nhiên về tăng trưởng kinh tế, ông Dũng cho rằng, "chưa thể tăng trưởng cao trở lại trong quý II" do sức mua trong nước vẫn thấp, doanh nghiệp còn khó khăn.
Trước đó, tại báo cáo gửi Quốc hội ngày 11/6, Chính phủ cũng đưa ra hai kịch bản tăng trưởng GDP năm nay. Với kịch bản GDP khoảng 4,5%, thu ngân sách dự kiến giảm khoảng 163.000 tỷ đồng, bội chi không quá 309.800 tỷ đồng, tương ứng khoảng 4,73% GDP và nợ công khoảng 55,5% GDP.
Ở kịch bản GDP tăng khoảng 3,6%, thu ngân sách dự kiến giảm 190.000 tỷ, bội chi là 324.800 tỷ đồng, tương ứng khoảng 5,02% GDP; nợ công khoảng 56,4% GDP.
Cả hai kịch bản này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trong phần giải trình trước Quốc hội hôm nay (15/6) cho rằng, "thu ngân sách Nhà nước sẽ không đạt dự toán".
Theo Luật Ngân sách Nhà nước, nếu thu ngân sách không đạt dự toán, các cấp ngân sách phải rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi. Dù vậy, bội chi ngân sách Nhà nước bình quân 5 năm vẫn thấp hơn 3,9% và nợ công vẫn dưới 65% GDP, đáp ứng các yêu cầu Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 25 của Quốc hội.
Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại biểu tỉnh Thái Bình nói "chưa thật yên tâm với các giải pháp Chính phủ đưa ra để đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay".
Theo ông, ngoài chủ trương thúc đẩy đầu tư công, các chính sách tài khoá khác vẫn dè dặt khi chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc giãn, hoãn thời hạn nộp thuế, phí cho doanh nghiệp. "Trong điều kiện tuyệt đại bộ phận các doanh nghiệp làm ăn không có lãi thì việc tại kỳ họp này Quốc hội quyết định cắt giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ, thì cũng chẳng có thêm ý nghĩa gì nhiều", ông Lộc nhận xét.
Ông đề nghị kéo dài thời gian giãn, hoãn các khoản thuế, phí tới 12 tháng cho doanh nghiệp, thay vì chỉ 3 hay 6 tháng hiện nay. Chủ tịch VCCI cũng góp ý Chính phủ, Bộ Tài chính có thể nghiên cứu sử dụng chính sách tài khoá ngược chu kỳ để đối phó với dịch bệnh, tức là giảm nợ công trong giai đoạn kinh tế phát triển thuận lợi để tăng nợ công trong thời kỳ kinh tế khó khăn.
Nhận xét "mục tiêu tăng trưởng 6,8% năm 2020 là thách thức lớn, khó đạt được", ông Phan Thái Bình, đại biểu tỉnh Quảng Nam đề nghị "nhìn thẳng vào sự thật, thực trạng kinh tế xã hội và đưa ra dự báo sát thực nhất".
Với hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Chính phủ dự kiến đưa ra, ông Bình nhìn nhận, đều có thể xảy ra. "Dù xảy ra ở kịch bản nào GDP của chúng ta chắc chắn đều không đạt được theo mục tiêu đề ra và những cân đối lớn về ngân sách, bội chi, nợ công... đều có thể không đảm bảo", ông lo lắng.
Anh Minh