Vietstock - ‘Không có khách hàng nào nợ đến hạn mà không được cơ cấu nợ’
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm 2020, tổ chức vào sáng ngày 16/06/2020 tại TP.HCM (HM:HCM).
Tín dụng đến ngày 16/06 tăng trưởng 2.13%
Theo ông Hùng, tính đến cuối tháng 5/2020, tốc độ tăng trưởng tín dụng là 1.96%, và cho đến ngày hôm nay chính xác tăng trưởng tín dụng là 2.13%, chỉ bằng phân nửa so với mức 5.4% bình quân 6 tháng đầu năm 2019 do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Tuy nhiên so với các nước trên thế giới, mức tăng trưởng tín dụng này vẫn được xem là bước đầu chống dịch thành công của Việt Nam.
Về cơ cấu tín dụng, tín dụng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 0.35%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 4.94% trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng trên 10%; lĩnh vực công nghệ cao tăng 2.92% và công nghiệp hỗ trợ tăng 2.27%.
Đối với tín dụng ở doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm 0.7%; lĩnh vực tiêu dùng phục vụ cho nhu cầu đời sống cũng giảm.
Như vậy có thể thấy là, tăng trưởng tín dụng tập trung vào lĩnh vực ưu tiên tăng là chủ yếu, trong khi đó lĩnh vực tiêu dùng cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu ảnh hưởng rất lớn. Cho nên tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2020 đã giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Riêng Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) có tốc độ tăng trưởng tín dụng 3.14% với số dư nợ trên 6.5 triệu tỷ đồng, phục vụ cho người nghèo kinh doanh sản xuất.
Đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ 172,365 tỷ đồng
Khi dịch Covid-19 mới xuất hiện, NHNN chủ động rà soát, xem xét đánh giá dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, tháng đầu tiên khoảng 300 ngàn tỷ đồng, tháng tiếp theo lên 980 ngàn tỷ đồng và 2 tháng sau lên đến 1.82 triệu tỷ đồng, chiếm 23% tổng dư nợ đối với dư nợ bị ảnh hưởng, chưa kể dư nợ bị ảnh hưởng gián tiếp, ảnh hưởng rất nặng nề đối với các lĩnh vực trong đó có lĩnh vực ngân hàng.
Đứng trước tình hình đó, NHNN đã vào cuộc rất sớm và kịp thời ban hành Thông tư 01 để tạo hành lang pháp lý cho khách hàng được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới và có cơ sở pháp lý để miễn giảm lãi, phí cho khách hàng.
Ông Hùng cũng nhấn mạnh: “Mặc dù thời gian đầu có nhiều ý kiến cho rằng nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được chính sách nhưng cũng xin khẳng định rằng không có một khách hàng nào nợ đến hạn mà không được cơ cấu nợ”.
Đến ngày 08/06/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 249,108 khách hàng với dư nợ 172,365 tỷ đồng. Đồng thời miễn, giảm, hạ lãi suất cho 403,177 khách hàng với dư nợ 1.23 triệu tỷ đồng cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/01 đến nay đạt 978,529 tỷ đồng cho 255,514 khách hàng lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0.5-2.5% so với trước dịch.
Ái Minh