Vietstock - IMF: Việt Nam là một trong những nền kinh tế có thành tích tốt nhất khu vực châu Á-TBD
Chiều ngày 10/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bà Antoinette Sayeh, đang có chuyến thăm làm việc đầu tiên tới Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp bà Antoinette Sayeh, Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn các tổ chức quốc tế, trong đó có IMF, luôn bên cạnh Việt Nam những lúc khó khăn trước đây nhằm thực hiện xóa đói giảm nghèo và hiện đang chuyển sang trạng thái hợp tác hai bên cùng thắng.
Sau hơn 2 năm phòng chống dịch, được sự chia sẻ, giúp đỡ của các nước trên thế giới, các tổ chức quốc tế, trong đó có IMF, Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh từ tháng 10/2021, mở cửa trở lại, đạt nhiều kết quả quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đánh giá cao sự giúp đỡ, hỗ trợ, tư vấn của IMF trong các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng cho biết, trong năm 2022, Việt Nam phải đối mặt với tác động tiêu cực kép từ những khó khăn, thách thức của tình hình trong nước và thế giới.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn đạt những kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát (tăng 3.15%), tăng trưởng GDP đạt 8.02%. Các cân đối lớn đều được bảo đảm, thu đủ chi, xuất đủ nhập (xuất siêu trên 10 tỷ USD), làm đủ ăn, đóng góp cho an ninh lương thực thế giới (xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo), xuất khẩu nông sản 53 tỷ USD, bảo đảm đủ điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, chuỗi cung ứng lao động khôi phục nhanh chóng. Quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 409 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 4,110 USD.
Cảm ơn Thủ tướng dành thời gian tiếp, bà Antoinette Sayeh khẳng định tầm quan trọng mối quan hệ giữa IMF và Việt Nam đã được xây dựng nhiều năm qua; đánh giá cao những thành công của Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế, xã hội, nhất là vượt qua giai đoạn khó khăn trong phòng, chống đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch.
Thông báo với Thủ tướng về kết quả các cuộc làm việc với Ban Kinh tế Trung ương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính… bà Antoinette Sayeh đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế có thành tích tốt nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng với những chính sách phù hợp về tài khóa, tiền tệ, đầu tư công, kiểm soát lạm phát, linh hoạt trong chính sách tỷ giá…
"IMF sẽ tiếp tục ghi nhận, chia sẻ những kinh nghiệm từ sự phát triển của Việt Nam với các quốc gia khác; luôn nỗ lực hết sức để cung cấp các tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam duy trì và phát huy được những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua", bà Antoinette Sayeh bày tỏ.
Trao đổi về những thách thức, khó khăn đặt ra trong năm 2023 về xu hướng suy giảm của kinh tế toàn cầu, nguy cơ sụt giảm xuất khẩu, áp lực lạm phát… được bà Antoinette Sayeh nêu lên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ sẽ quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; trong đó, điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, tìm điểm cân bằng giữa tỷ giá và lãi suất, giữa tăng trưởng và lạm phát, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm; tập trung phát triển hạ tầng, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng…
Thủ tướng nhấn mạnh: Càng thách thức, áp lực thì càng phải nỗ lực vượt qua. Càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm thì càng phải đoàn kết, thống nhất. Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi, lắng nghe những khuyến nghị, tư vấn của các tổ chức quốc tế như IMF, Ngân hàng Thế giới (WB).
Đồng tình với các ý kiến của Thủ tướng, bà Antoinette Sayeh cũng hoan nghênh quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, những giải pháp đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai nhằm thực hiện cam kết phát thải bằng 0 vào năm 2050, chuyển đổi năng lượng, tiếp cận với các nguồn vốn nhằm đạt được mục tiêu về thích ứng biến đổi khí hậu; cam kết IMF sẽ tiếp tục đưa ra những tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong lĩnh vực này.
Thủ tướng khẳng định, với tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, Việt Nam đang tranh thủ thời cơ, khẩn trương hoàn thiện pháp lý để phát triển công nghiệp tái tạo với sự hỗ trợ của các nước, các định chế tài chính quốc tế về công nghệ, vốn, năng lực quản trị, nguồn nhân lực… để vừa phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, vừa góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái toàn cầu.
"Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu nên cần cách tiếp cận toàn cầu, đề cao đoàn kết quốc tế. Đây cũng là vấn đề tác động đến mọi người dân nên cần có cách tiếp cận toàn dân. Người dân là chủ thể, trung tâm của chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu", Thủ tướng nói và mong muốn trong thời gian tới, cần tiếp tục xây dựng mối quan hệ giữa Việt Nam và IMF trở thành hình mẫu, từ đó chia sẻ, nhân rộng ra các nước khác.
Nhật Quang