Vietstock - Hỗ trợ doanh nghiệp tái tạo việc làm và dòng tiền vào
Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến doanh nghiệp, các quốc gia trên thế giới đều đã có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vượt qua cuộc khủng hoảng. Việt Nam đang và nên như thế nào?
Hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch: thực tiễn trên thế giới
Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của các quốc gia trên thế giới tập trung vào việc hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp bị suy giảm do ảnh hưởng của đại dịch.
Theo đó, các biện pháp hỗ trợ dòng tiền vào được thực hiện cho hai nhóm doanh nghiệp:
– Doanh nghiệp gặp vấn đề về thanh khoản nhưng chưa mất khả năng thanh toán. Các doanh nghiệp này sẽ được hỗ trợ tiếp cận các khoản vay ngắn hạn từ chính phủ hoặc các định chế tài chính nhà nước.
Hỗ trợ doanh nghiệp tái khởi động hoạt động kinh doanh thông qua việc tuyển dụng lại lao động ngay sau khi kết thúc làn sóng dịch lần thứ 4 là rất quan trọng cho việc phục hồi kinh tế của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. |
– Doanh nghiệp gặp vấn đề về thanh khoản và mất khả năng thanh toán nhưng có khả năng phục hồi sau khủng hoảng Covid-19. Các doanh nghiệp này cần được hỗ trợ các khoản vay dưới hình thức bảo lãnh một phần hoặc toàn phần của chính phủ hoặc từ các định chế tài chính nhà nước. Đó có thể là các khoản đầu tư cổ phần ưu đãi, các khoản cho vay không thế chấp hoặc đồng đầu tư từ chính phủ hoặc các định chế tài chính nhà nước.
Các biện pháp hỗ trợ dòng tiền ra của doanh nghiệp sẽ tập trung vào:
– Giãn các nghĩa vụ tài chính cho doanh nghiệp như hoàn trả nợ gốc, tiền lãi và các nghĩa vụ nợ khác.
– Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp.
– Giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp.
Tình hình tại Việt Nam
Tại Việt Nam, theo thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tính đến tháng 7-2021, tổng quy mô hỗ trợ cho doanh nghiệp và hộ gia đình ước tính là 116.000 tỉ đồng. Đến tháng 8-2021, Bộ Tài chính công bố thêm các khoản giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp, cá nhân/hộ gia đình với tổng gói hỗ trợ tính từ đầu năm là 138.000 tỉ đồng (bảng 1). Có thể thấy phần lớn gói hỗ trợ này là dưới hình thức giãn thuế, điều này giúp doanh nghiệp giảm dòng tiền ra ở hiện tại. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn thông qua Thông tư 01 và 03. Trong Tờ trình 5347 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ngày 16-8-2021, Bộ KH&ĐT cũng đưa ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Trong phạm vi bài viết này, người viết muốn đề cập đến hai vấn đề quan trọng trong bối cảnh hiện nay, đó là: (1) hỗ trợ doanh nghiệp tái tạo việc làm; (2) hỗ trợ dòng tiền vào cho doanh nghiệp theo tinh thần của Tờ trình 5347 của Bộ KH&ĐT.
Hỗ trợ doanh nghiệp tái tạo việc làm:
Đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp tái tạo lại việc làm, người viết sẽ phân tích trường hợp TPHCM, nơi đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, từ trường hợp của TPHCM việc hỗ trợ có thể áp dụng trên toàn quốc.
Kể từ khi làn sóng dịch lần thứ 4 xảy ra, phần lớn doanh nghiệp ở TPHCM phải đóng cửa, chỉ còn một số doanh nghiệp hoạt động theo phương thức 3T (làm việc, ăn, ngủ tại chỗ) trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao.
Khảo sát của Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Famil) với 4.140 doanh nghiệp cho thấy số lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong quí 2-2021 là 125.277 người (chiếm 37,70% tổng số lao động trong doanh nghiệp khảo sát). Trong tổng số lao động bị ảnh hưởng có 92% người lao động bị giãn việc/nghỉ luân phiên; còn lại là tạm hoãn hợp đồng lao động (2,43%); tạm nghỉ việc có hưởng một phần lương (2,35%); tạm nghỉ việc không hưởng lương (2,18%); bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc cho thôi việc (1,2%).
Kết quả khảo sát cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến cắt giảm lao động trong sáu tháng cuối năm 2021 chiếm 46,47%. Đối với các doanh nghiệp cắt giảm lao động, trong đó có hơn 21% doanh nghiệp cho lao động thôi việc. Đối với doanh nghiệp áp dụng hình thức cho lao động thôi việc thì có khoảng 35% doanh nghiệp dự kiến không hỗ trợ đối với lao động. Tốp 5 ngành có lượng doanh nghiệp dự kiến giảm lao động nhiều nhất gồm: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến chế tạo; dịch vụ lưu trú, ăn uống; xây dựng và hoạt động chuyên môn và công nghệ.
Cần lưu ý rằng, sẽ rất khó khăn thậm chí không thể thoát khỏi khủng hoảng nếu không có sự phục hồi của việc làm. Do đó, hỗ trợ doanh nghiệp tái khởi động hoạt động kinh doanh thông qua việc tuyển dụng lại lao động ngay sau khi kết thúc làn sóng dịch lần thứ 4 là rất quan trọng cho việc phục hồi kinh tế của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp chi trả một phần thu nhập cho người lao động đã nghỉ việc hoặc nghỉ không lương.
Dựa trên kết quả khảo sát của Famil, người viết đưa ra hai kịch bản tương ứng với tỷ lệ số lao động được hỗ trợ cho hai nhóm doanh nghiệp: (i) nhóm năm ngành cắt giảm lao động nhiều nhất; và (ii) các ngành còn lại. Quy mô hỗ trợ được xác định theo: (1) số lao động được hỗ trợ; (2) tỷ lệ hỗ trợ; (3) thời gian hỗ trợ. Theo đó, năm ngành cắt giảm lao động nhiều nhất có tỷ lệ lao động được hỗ trợ ước tính 50% tổng số lao động, các ngành còn lại tỷ lệ lao động được hỗ trợ là 40% tổng số lao động; tỷ lệ hỗ trợ theo phần trăm của lương tối thiểu vùng và thời gian hỗ trợ là ba tháng. Quy mô hỗ trợ được xác định ở bảng 2 bên dưới. Sau thời hạn ba tháng, các cơ quan quản lý có thể rà soát lại việc hỗ trợ để quyết định có tiếp tục chương trình hỗ trợ hay không để đạt mục tiêu tái tạo việc làm.
Hỗ trợ dòng tiền vào cho doanh nghiệp:
Đối với việc hỗ trợ dòng tiền vào, mặc dù Tờ trình 5347 của Bộ KH&ĐT có đề cập đến việc NHNN cần bổ sung các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo người viết, trong tình hình hiện nay Chính phủ cần có gói hỗ trợ tín dụng và bảo lãnh cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là đối tượng chịu tổn thương nghiêm trọng nhưng năng lực tự hồi phục kém. Sự suy kiệt tài chính của nhóm đối tượng này tạo gánh nặng cho an sinh xã hội, làm chậm sự hồi phục kinh tế.
Các chính sách hỗ trợ tín dụng và bảo lãnh cho các đối tượng này cần thực hiện trên quan điểm Chính phủ chấp nhận việc dịch chuyển rủi ro của chủ nợ về phía mình và chuẩn bị nguồn lực để hấp thụ rủi ro này. Việc thực hiện chương trình bảo lãnh tín dụng của Nhà nước ở đây sẽ đóng vai trò tương tự như đảm bảo tiền gửi và người cho vay cuối cùng. Chính sách này, xét trên tổng thể sẽ giúp gia tăng phúc lợi xã hội.
Trần Hùng Sơn