Vietstock - GS. Hoàng Văn Cường: Việt Nam sẽ thể hiện rõ mình đang đi ngược với vòng xoáy của kinh tế thế giới
Tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, GS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân bày tỏ kết quả tăng trưởng 8 tháng qua là hết sức ngoạn mục.
GS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh VGP
|
Trước hết, đánh giá kết quả tăng trưởng trong 8 tháng vừa qua, GS. Hoàng Văn Cường cho rằng đây là kết quả hết sức ngoạn mục. Chúng ta không nghĩ được rằng cuối năm 2021 và thời điểm này chúng ta có những kết quả này. Điều này cũng dự báo một điều có lẽ năm nay Việt Nam sẽ thể hiện rõ mình đang đi ngược với vòng xoáy của kinh tế thế giới.
Điều này không phải ngẫu nhiên mà đây là một kết quả tất nhiên của việc chúng ta điều hành kinh tế, kiên định trong ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện nhiều biện pháp điều hành linh hoạt, gần như "nghệ thuật" điều hành.
Đồng thời Chính phủ đã thể hiện sự lắng nghe, cầu thị đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học và đặc biệt là tạo được niềm tin với người dân, doanh nghiệp nên chúng ta thu hút FDI, các nhà đầu tư quốc tế, lượng đầu tư lớn.
Nhìn về bối cảnh của thời gian tới, "tôi cho rằng áp lực về lạm phát của Việt Nam có lẽ chúng ta vượt qua ở quý 2, từ nay đến cuối năm tôi cho rằng áp lực lạm phát sẽ không còn đe dọa nặng như giai đoạn trước", GS. Hoàng Văn Cường nói thêm.
Bởi lẽ các yếu tố vì chi phí đẩy là yếu tố chính của lạm phát, các yếu tố đầu vào đã tương đối kiểm soát được, chính sách điều hành tiền tệ vừa qua cũng "chắc tay". Nếu chúng ta tiếp tục duy trì chính sách chắc tay như thế thì chúng ta sẽ đưa tình hình lạm phát thấp.
Có lẽ rủi ro lớn nhất cuối năm nay và sang năm là nguy cơ về suy thoái kinh tế thế giới kéo theo tăng trưởng chậm của chúng ta, thậm chí nhiều khó khăn. Suy thoái kinh tế thế giới có thể nhìn thấy khá rõ và điều này đang thu hẹp thị trường thế giới, dẫn đến chúng ta là một nước xuất khẩu cũng bị bó hẹp thị trường.
GS. Hoàng Văn Cường cho rằng tác động này ảnh hưởng mạnh nhất đến khu vực FDI vì nhiều sản phẩm liên quan đến xuất khẩu còn khu vực trong nước, tác động này có lẽ thấp hơn vì phần lớn các sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước mang tình thiết yếu và mức độ điều chỉnh không mạnh như sản phẩm của FDI.
Chính vì thế giai đoạn này có lẽ cần nới lỏng việc kiểm soát lạm phát và tăng cường hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp trong nước để tăng nguồn lực cho các doanh nghiệp này phục hồi để lấy lại đà phát triển, tạo ra vị thế, chỗ đứng để nếu như nền kinh tế thế giới có đi vào lạm phát, khủng hoảng thì chúng ta cũng giữ được thị trường trong nước.
Việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước hiện nay, tôi cũng đồng tình với ý kiến của anh Phước, có lẽ chúng ta phải dựa vào nguồn lực chính là cung cấp nguồn vốn của các doanh nghiệp hiện nay đang rất khó khăn.
Trong nguồn vốn, trước nay chúng ta dựa vào thị trường về tín dụng, trái phiếu, những năm gần đây, cụ thể là năm 2021, kinh tế tăng trưởng 2.58%, tốc độ tăng trưởng tín dụng gần 4%, thị trường hỗ trợ khá tốt cho doanh nghiệp nhưng sang năm 2022 thì gần như không còn hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp nữa.
Cần kiên định với ý kiến trong Hội nghị tháng 7 là thực hiện đúng chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt nhưng không phải thắt chặt. Chúng ta cần bổ sung các công cụ để kiểm soát tăng trưởng tín dụng, cần phải mở rộng thêm 2 yếu tố để kiểm soát tăng trưởng.
Thứ nhất, những ngân hàng có mức lãi suất cho vay bình quân thấp hơn mức bình quân chung thì tốc độ tăng trưởng phải cao hơn ngân hàng khác. Những ngân hàng duy trì được khoản chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất vay thấp thì các ngân hàng đấy cũng sẽ được tăng trưởng tín dụng cao.
Nếu chúng ta sử dụng những chỉ tiêu này thì sẽ biết được các ngân hàng thực sự quản trị tốt, có mức hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn, không xảy ra tình trạng các ngân hàng chạy đua để tăng lãi suất. Tất nhiên làm việc này vô cùng khó khăn đòi hỏi phải đầu tư nguồn lực cho ngân hàng nhà trước trong việc kiểm soát hệ thống ngân hàng thông qua hệ thống về số hóa.
GS. Cường đề nghị, có lẽ từ nay đến cuối năm, áp lực về lạm phát không phải lớn, nhưng lớn nhất có lẽ là áp lực về kiểm soát tỷ giá. Tôi cũng đồng tình với ý kiến của anh Phước, chúng ta không nên phá vỡ tỷ giá đồng tiền. Như vậy, chúng ta phải kiên định giữ tỷ giá nhưng không có nghĩa là cứng nhắc mà phải linh hoạt với thị trường. Nếu chúng ta không ổn định được tỷ giá, nguy cơ dự trữ ngoại tệ của chúng ta chuyển thành dự trữ của cá nhân doanh nghiệp thì khi đó chúng ta sẽ mất khả năng chủ động về nguồn ngoại tệ.
Điểm cuối cùng, về tăng đầu tư công và đầu tư doanh nghiệp. Hiện nay, tỷ lệ giải ngân đầu tư công rất thấp. Chỉ đạo của Chính phủ đã rất quyết liệt. Có lẽ vướng nhất của chúng ta là e ngại của các nhà quản lý địa phương, pháp luật chưa dồng bộ, còn những điểm còn chồng chéo, không xử lý được.
Chính phủ cần mạnh dạn đề nghị Quốc hội cho phép cơ chế lựa chọn quy định pháp luật nào phù hợp nhất. Nếu như các điều khoản chồng chéo thì có thể lựa chọn một quy định phù hợp nhất để xử lý các vướng mắc về đầu tư công.
Về tháo gỡ khó khăn cho đầu tư tư nhân, rất nhiều hoạt động đầu tư tư nhân cần tháo gỡ như hệ thống khuyến khích phát triển kinh tế xanh, điện gió hay vấn đề đầu tư cho phát triển hệ thống bất động sản không đáp ứng điều kiện pháp lý sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế…
Hàn Đông