Quy định mới nâng mức giá trị giao dịch phải báo cáo từ 300 triệu đồng lên 400 triệu đồng. Theo Quyết định 11/2023 của Chính phủ, từ đầu tháng 12, mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo nâng lên thành 400 triệu đồng. Trước đó, các tổ chức cung cấp dịch vụ chỉ phải báo cáo với những giao dịch có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên.
Trước đây, quy định của Ngân hàng Nhà nước chỉ nêu chung rằng khi thực hiện giao dịch có giá trị lớn, các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán phải báo cáo cho Cục Phòng, chống rửa tiền bằng văn bản. Tuy nhiên, từ năm 2005, mức báo cáo được quy định cụ thể hơn, từ 200 triệu đồng, nâng lên 300 triệu đồng và hiện tại là 400 triệu đồng.
TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nhận định yêu cầu những giao dịch lớn phải báo cáo là phù hợp với nhu cầu phát triển thị trường tài chính bền vững của Việt Nam.
Theo ông, chống khủng bố, tham nhũng, rửa tiền là việc tất cả quốc gia đều quan tâm. Việc yêu cầu báo cáo với những giao dịch có giá trị lớn sẽ giúp cơ quan Nhà nước dễ kiểm soát những giao dịch có dấu hiệu đột biến, bất thường và khiến những hành vi phạm pháp sớm bị phát hiện, ngăn chặn, ngay trước khi diễn ra.
Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh chia sẻ, để phòng chống rửa tiền, việc đầu tiên là phát triển hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế quốc dân để kiểm tra giám sát tốt nhất các giao dịch trong nền kinh tế. Từ đó giúp cho việc công khai minh bạch các khoản tiền.
Cơ quan quản lý nhận được báo cáo cũng tự mình giám sát và nếu có vấn đề gì mới "ra tay". Từ khi có quy định về việc giao dịch lớn phải báo cáo, cơ quan quản lý cũng không cản trở, gây khó khăn cho các đơn vị báo cáo hay công bố số liệu được báo cáo.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra làphía chuyển có thể chia nhỏ giao dịch nhằm lách luật.
Theo chuyên gia, cũng cần có thêm quy định về những giao dịch nhỏ, chưa đạt đến ngưỡng quy định nhưng có dấu hiệu bất thường như tiền từ nguồn thu của các dịch vụ bị cấm, chỉ chuyển cho duy nhất một tài khoản, hay chuyển nhiều lần tiền trong thời gian ngắn…
Ở các nước phát triển, quy định này đã được áp dụng từ lâu, với nhiều tác động tích cực như bảo đảm tính minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người bán, người mua và giúp cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát dòng tiền, sớm phát hiện dòng tiền "bẩn".
Chuyên gia đề xuất thêm cần sớm có quy định bắt buộc tất cả giao dịch tài sản có trị giá lớn như nhà đất, ô tô... đều phải qua ngân hàng.
Giao dịch từ 400 triệu đồng phải báo cáo NHNN: Liệu có cản trở giao dịch tiền mặt?