Vietstock - Gần 6700 cơ sở dịch vụ cầm đồ và 540 cơ sở tài chính có biểu hiện cho vay lãi suất cao
Đây là số liệu được Cục Cảnh sát hình sự , Bộ Công an đưa ra tại hội thảo “Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức”...
Ảnh minh họa. |
Theo Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an thống kê, hiện toàn quốc có 26.942 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, Công an các địa phương đã cấp mới 2.436 và thu hồi 175 Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
TÍN DỤNG ĐEN NGÀY CÀNG TINH VI
Qua công tác nghiệp vụ, Công an các địa phương đã rà soát, phát hiện: 6664 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 540 cơ sở kinh doanh tài chính; 3667 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi suất cao.
Nhìn chung, sau 2 năm thực hiện chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, lực lượng Công an đã tiếp nhận, phát hiện: 1047 vụ/1718 đối tượng, đã khởi tố 554 vụ/990 bị can; Xử phạt hành chính 375 vụ/593 đối tượng.
Riêng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã phát hiện, tiếp nhận 539 vụ/884 đối tượng (51,48%) trong đó đã khởi tố 314 vụ/541 bị can; xử phạt hành chính 153 vụ/249 đối tượng.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, Bộ Công an nhận thấy, tình trạng tạm dừng kinh doanh, kinh doanh không có lãi; nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập khiến nhu cầu vay tiền để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh tăng cao. Một bộ phận không nhỏ thanh niên còn có nhu cầu vay tiền để phục vụ tiêu xài cá nhân hoặc thậm chí sử dụng cho các mục đích vi phạm pháp luật như sử dụng ma túy, cờ bạc...
Vì vậy, các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lợi dụng công nghệ, mạng xã hội….. mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên….. vay tiền.
"Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook (NASDAQ:FB))……. để len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền", đại diện Bộ Công an nhấn mạnh.
Cũng theo vị đại diện Bộ Công an, một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ thành lập nhiều cơ sở, cửa hàng tại nhiều địa phương khác nhau, vừa hoạt động cho vay cầm cố tài sản tại cửa hàng, vừa hoạt động trên không gian mạng nhưng thu thêm nhiều khoản phí, quy định tiền phạt lớn nhằm lách quy định pháp luật về lãi suất, có dấu hiệu cho vay lãi nặng. Các đối tượng hình sự hoạt động cho vay lãi nặng dưới hình thức hụi, họ nhắm đến một bộ phận tiểu thương, người kinh doanh nhỏ lẻ, thanh thiếu niên, các đối tượng cần tiền “vay nóng” phục vụ cho các nhu cầu bất chính, tiêu xài cá nhân....
Bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính…., xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.
Liên quan đến hoạt động đòi nợ, tình trạng các đối tượng côn đồ, đối tượng nghiện, các băng nhóm tội phạm thực hiện các hành vi đòi nợ đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự đã giảm rõ rệt nhưng thủ đoạn đòi nợ bằng cách ném chất bẩn, chất thải, gạch đá vào nơi ở, nơi làm việc của con nợ và người thân con nợ vẫn xuất hiện ở nhiều nơi.
KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN
Trên cơ sở sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 12, Bộ Công an đã báo cáo Thủ tướng Chính Phủ và đề xuất 5 nhiệm vụ trọng tâm cụ thể.
Thứ nhất, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm đã được phân công trong Chỉ thị số 12. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo. Chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh kịp thời, đúng trọng tâm, phù hợp với phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm, nhất là trong những diễn biến phức tạp của tình hình đã dự báo trong và sau dịch bệnh Covid-19.
Thứ hai, thường xuyên tổ chức tuyên truyền phòng ngừa hoạt động tín dụng đen trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương sinh động, đa dạng, dễ tiếp cận đến người dân qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, nền tảng di động..., gắn với các vụ án, vụ việc cụ thể.
Thứ ba, UBND các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan kịp thời giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội trong và sau thời gian dịch bệnh Covid-19; kịp thời phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn để có giải pháp tháo gỡ, góp phần hạn chế người dân có nhu cầu vay tiền chính đáng, phục vụ sản xuất, kinh doanh phải tìm đến tín dụng đen.
Thứ tư, Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương siết chặt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự có liên quan đến công tác phòng, chống hoạt động tín dụng đen. Đẩy mạnh công tác phát hiện, xác minh, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm. Đề nghị ba ngành tư pháp Trung ương chỉ đạo liên ngành tư pháp các cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
Thứ năm, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền Thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Công an và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp giải quyết tình trạng các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng, số thuê bao điện thoại không chính chủ, tạo lập website, ứng dụng điện thoại, tài khoản mạng xã hội không khai báo, đăng ký chính danh và thực hiện hành vi phạm pháp luật nhằm trốn tránh sự điều tra, phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng.
Đào Vũ