Vietstock - Cách 'cứu nguy' thị trường địa ốc: Cần giảm giá bán nhà, tăng chiết khấu!
Đánh giá hệ quả cực kỳ nghiêm trọng từ đại dịch, Chủ tịch HoREA cho rằng, các doanh nghiệp buộc phải có giải pháp để tồn tại. Trong đó, việc giảm giá bán nhà hay tái cơ cấu doanh nghiệp được nhắc tới.
* Thời dịch: Đại gia địa ốc thi nhau 'ngủ đông', dân đầu tư sụt sùi bán tháo
* Ngành địa ốc được gì từ gói kích cầu 250 nghìn tỷ?
Trong giai đoạn dịch diễn biến khó lường như hiện nay, các doanh nghiệp tuyệt đối không tổ chức các sự kiện đông người như tiếp thị, mở bán sản phẩm, động thổ, khởi công, khánh thành, lễ bàn giao nhà…
|
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HM:HCM) (HoREA) vừa có thư ngỏ gửi tới lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản. Trong đó dẫn ra nhiều khuyến nghị nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19.
Đồng quan điểm cho rằng, nền kinh tế thế giới đã bước vào thời kỳ suy thoái, mà thậm chí còn có khả năng tồi tệ hơn năm 2009, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA nhấn mạnh: Đây là hệ quả cực kỳ nghiêm trọng từ đại dịch, buộc các doanh nghiệp phải có giải pháp để tồn tại.
Theo đó, ông Lê Hoàng Châu đã đưa ra một số giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, triệt để tuân thủ các quy định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các chỉ dẫn của ngành y tế về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Trong giai đoạn dịch diễn biến khó lường như hiện nay, các doanh nghiệp tuyệt đối không tổ chức các sự kiện đông người như tiếp thị, mở bán sản phẩm, động thổ, khởi công, khánh thành, lễ bàn giao nhà…; hạn chế các cuộc họp không cần thiết, chuyển sang sử dụng phương thức hội nghị trực tuyến.
Đáng lưu ý theo Chủ tịch HoREA, doanh nghiệp cũng nên thực hiện các phương thức hỗ trợ đối tác thuê nhà, thuê mặt bằng, như giảm giá cho thuê, giãn tiến độ trả tiền thuê, miễn tiền thuê trong một thời gian.
Đồng thời xem xét giảm giá bán nhà, tăng chiết khấu. Tái cấu trúc lại doanh nghiệp, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà xã hội, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng.
HoREA cũng khuyên các doanh nghiệp bất động sản có cơ sở lưu trú như khách sạn, condotel có thiện nguyện trở thành cơ sở lưu trú cách ly phòng dịch Covid-19, thì đăng ký với UBND TP.HCM, hoặc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để làm cơ sở cách ly.
Hiệp hội cho biết cũng đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản vượt qua đại dịch và chuẩn bị phục hồi hoạt động trở lại sau đại dịch như gia hạn thuế, không xử phạt các doanh nghiệp và các cá nhân nộp chậm quyết toán thuế; mở rộng diện được miễn giảm thuế để hỗ trợ các hộ gia đình đang chịu tác động nặng nề của đại dịch, xem xét giảm lãi vay và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản...
7 bước phục hồi
Ngoài ra, HoREA cũng dẫn khuyến nghị của “Bảy bước để phục hồi doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19” của Ông Nicolas Bahr (thuộc DuPont Sustainable Solutions Hoa Kỳ) để doanh nghiệp tham khảo.
Cụ thể, thứ nhất, chăm lo nhân viên. Nhân viên là nguồn lực quý giá của doanh nghiệp. Cần liên lạc chặt chẽ và thường xuyên với nhân viên, để nắm rõ họ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như thế nào.
Hai, xây dựng hệ thống quản trị (dựa trên cơ sở dữ liệu, tránh dựa trên cảm xúc) trên 03 cấp độ: Ngắn hạn: Xử lý các khó khăn về nhân sự và công việc hàng ngày; Trung hạn: Về kế hoạch dự trữ tiền mặt và đảm bảo thanh khoản; Dài hạn: Tính toán các tác động kinh tế lớn đến doanh nghiệp do đại dịch.
Ba, vận hành các đánh giá rủi ro: Cần tập trung các biện pháp vệ sinh và an toàn phòng dịch để bảo vệ nhân viên, hệ thống tài chính, công nghệ và hoạt động của doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát.
Bốn, tăng cường truyền thông ra bên ngoài. Trong khủng hoảng, tài sản lớn nhất là niềm tin.
Năm, đánh giá chuỗi cung ứng: Các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản phải thỏa mãn tối đa các đòi hỏi, yêu cầu của khách hàng và các nhà thầu, nhà cung ứng vật liệu xây dựng, trang thiết bị, nhà tư vấn, và đặc biệt là các ngân hàng cung cấp vốn...
Sáu, xem xét rủi ro hoạt động: Đánh giá tất cả các khía cạnh hoạt động của doanh nghiệp; Lập danh mục kiểm tra trước khi hoạt động trở lại, để đảm bảo hoạt động được ngay khi điều kiện an toàn cho phép.
Bảy, sử dụng thời gian chết hiệu quả: Tận dụng tối đa mọi thời gian rảnh rỗi để suy ngẫm về việc phát triển bất kỳ dịch vụ và sản phẩm mà doanh nghiệp chưa từng có. Khuyến khích cán bộ nhân viên tham gia vào quá trình này, để họ cảm thấy có giá trị và năng suất làm việc tốt.
Nguyễn Mạnh