Vietstock - Đề xuất cho doanh nghiệp vay lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho lao động
Cho vay không có tài sản bảo đảm với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất là các đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19...
Nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang phải tạm dừng sản xuất dẫn đến công nhân phải nghỉ việc. Ảnh Đức Duy.
|
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến các bộ, ngành để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự thảo hỗ trợ người lao động mất việc làm và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
DỊCH BỆNH LÀM 540.000 NGƯỜI BỊ MẤT VIỆC VÀ HÀNG TRIỆU LAO ĐỘNG PHẢI TẠM NGHỈ
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thị trường lao động, việc làm trong những tháng đầu năm 2021 khó khăn theo các diễn biến của dịch bệnh Covid-19, tác động mạnh đến hầu hết người lao động, doanh nghiệp.
Báo cáo của một số tỉnh, thành phố có người nhiễm bệnh trong các doanh nghiệp, dẫn đến người lao động phải cách ly hoặc doanh nghiệp bị tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh như: tại Bắc Giang 196.046 người lao động; Bắc Ninh 51.975 người; Hà Nội 33.280 người…
Hiện nay, có khoảng 15 triệu lao động làm việc trong doanh nghiệp, trong đó khoảng 3,8 triệu lao động làm việc trong các khu công nghiệp.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định, theo xu hướng lây nhiễm hiện nay, trong thời gian tới có thể có người lao động làm việc tại doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố khác bị nhiễm Covid-19, đặc biệt người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.
“Tình hình dịch bệnh bùng phát rộng, ở nhiều khu công nghiệp và đô thị lớn, dự báo thị trường lao động sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề với trên 30 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực. Khoảng 4 triệu lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất bị tác động trực diện, lao động làm việc trong tất cả các ngành, lĩnh vực đều bị tác động mạnh”, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự báo.
Nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang phải tạm dừng sản xuất dẫn đến công nhân phải nghỉ việc. Ảnh Đức Duy.
|
NĂM CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP, NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI DỊCH COVID
Trước tình hình đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng.
Một là, ngân sách Nhà nước hỗ trợ trả lương ngừng việc, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông bị tạm dừng hoạt động hoặc giảm hoạt động, để phòng Covid-19.
Hai là, ngân sách cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19.
Ba là, Nhà nước hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động bị mất việc làm, có hoàn cảnh khó khăn.
Nhóm đối tượng này bao gồm: người lao động đang thuê nhà, người lao động đang thuê nhà có nuôi con dưới 6 tuổi bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc, nghỉ việc không hưởng lương tại các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông bị tạm ngừng hoạt động để phòng dịch Covid-19.
Bốn là, cho vay không có tài sản bảo đảm với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động, vừa hỗ trợ dòng tiền cho các doanh nghiệp, vừa để bảo đảm việc làm cho người lao động. Trong đó, tập trung hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực vận tải, hàng không, lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch.
Năm là, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, dẫn đến phải giảm từ 20% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 4/2021.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ một phần kinh phí và vận động nguồn đóng góp của các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương để triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp.
Phúc Minh -