Vietstock - Dùng dằng phân định trách nhiệm, bộ tính sao với chuyện lãng phí nguồn lực xã hội?
Tuần qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản trả lời Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) về các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp và đề xuất không giao EVN đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với các dự án này.
Sau đó, Cục này tiếp tục ra văn bản khẳng định, trách nhiệm này thuộc về EVN. Trong khi quả bóng trách nhiệm tiếp tục bị đá qua đá lại, 67 dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất gần 4.000 MW và hàng tỉ đô la đầu tư từ nhiều tháng qua vẫn đang phải “trùm mền”.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do giá mua bán điện cố định (FIT (HM:FIT)) hết hạn nên chưa có giá mua điện mới. EVN đề xuất trước mắt cho phép các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp tham gia thị trường điện và được thanh toán theo giá thị trường điện giao ngay và không vượt quá khung giá phát điện của loại hình nguồn điện tương ứng do Bộ Công Thương phê duyệt. Trong khi đó, Cục Điều tiết điện lực cho rằng EVN với vai trò là đơn vị mua điện trong thị trường điện, phải có trách nhiệm đàm phán, thỏa thuận với đơn vị phát điện.
Vần đề ở đây là các chính sách, quy định liên quan đến việc mua điện là chuyện nội bộ phía quản lý nhà nước và EVN. Tuy nhiên, việc phân định trách nhiệm phía Bộ Công Thương lại kéo dài quá lâu, gây lãng phí rất lớn cho nguồn lực xã hội.
Sau các vụ “kêu cứu” từ các doanh nghiệp điện gió, điện mặt trời từ cuối năm 2021, ngay trong tháng 1-2022 Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Công Thương chỉ đạo EVN xác định giá điện với phần công suất của các dự án điện mặt trời đã vận hành trên địa bàn Ninh Thuận nhưng chưa có giá điện. Tuy nhiên, đến nay các dự án này không những chưa được thanh toán cho phần công suất đã vận hành mà còn bị buộc dừng khai thác chờ giá mua điện mới sau khi giá FIT hết hạn, mà giá mua này đến nay vẫn chưa có.
“Đừng để lãng phí tiền của nhân dân trong khi chúng ta đang phải đi mua điện từ nước ngoài”, đó là tựa một bài viết trên trang Facebook (NASDAQ:META) của Chính phủ mới đây. Phân tích của bài viết cho thấy nhiều dự án nhiệt điện dùng than nhập khẩu tại Việt Nam có giá lên tới xấp xỉ 4.000 đồng/kWh, trong khi điện mặt trời và điện gió mức giá chỉ 2.500-2.800 đồng/kWh. Dù có hạn chế là không thể chạy với thời gian ổn định và dài như điện than nhưng điện mặt trời, điện gió vẫn rẻ hơn và góp phần đáp ứng yêu cầu cấp điện ổn định và không được tăng giá bán lẻ bình quân đã có từ năm 2019.
Có thể thấy, những bất cập liên quan đến cơ chế mua bán điện, giá FIT… đều đã được nhìn ra vào cảnh báo từ khá lâu, ngay cả Chính phủ cũng nhiều lần lên tiếng yêu cầu cần có cơ chế công bằng cho các dự án điện mặt trời trong giai đoạn chuyển tiếp. Thế nhưng cơ quan chịu trách nhiệm chính là Bộ Công Thương vẫn cứ loay hoay và đến nay, giá mua điện mới vẫn còn bỏ ngỏ và nhà đầu tư vẫn tiếp tục phải chờ.
Hãy thử nhìn sang nước láng giềng Lào, chiến lược phát triển nguồn điện của họ có tầm nhìn rất dài hạn và nhất quán. Từ năm 2010, Lào đưa ra mục tiêu “trở thành cục pin của Đông Nam Á”, sản xuất điện xanh cung cấp cho toàn vùng Đông Nam Á và kiên trì thực hiện.
Trong tuần qua, dự án mua bán điện giữa Lào và Singapore, một phần của dự án tích hợp điện năng với sự tham gia của bốn nước Lào-Thái Lan-Malaysia-Singapore (Dự án LTMS-PIP) vừa được chính phủ các nước này chính thức thông qua. Trước đó, hồi tháng 6 năm nay, Singapore đã bắt đầu nhập khẩu điện 100 MW thủy điện từ Lào, tương đương với khoảng 1,5% nhu cầu điện cao điểm của Singapore.
Các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam bị đình trệ còn ảnh hưởng đến lòng tin của nhà đầu tư vào chính sách khuyến khích đầu tư năng lượng sạch và cam kết tại Hội nghị COP26 về việc Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Chính phủ.
Đó là chưa kể đến các hậu quả khác về môi trường mà điện than cũng có góp phần. Tại Hội thảo khoa học quốc gia do một đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hôm 24-9, các chuyên gia cho biết nếu không bảo vệ môi trường, Việt Nam sẽ phải trả giá cho môi trường bị hủy hoại và ô nhiễm là khoảng 6-7% GDP. Nếu tính cả phí y tế để chữa bệnh cho người dân, tổng khoản này sẽ lên đến 8-10% GDP.
Song Nghi