Theo các chuyên gia, trong bối cảnh lãi suất quốc tế còn tăng, Việt Nam khó đi ngược xu hướng chung. Theo báo cáo chiến lược năm 2023 của Chứng khoán Mirae Asset (Masvn), nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục tăng lãi suất.
Cụ thể, so với lãi suất điều hành (LSĐH) của Mỹ vốn đã vượt mức trước dịch Covid-19, mức LSĐH của Việt Nam chỉ mới ngang bằng so với trước dịch. Bên cạnh đó, Fed vẫn đang có kế hoạch tăng LSĐH trong 2023 với mức đỉnh kỳ vọng 5,1%.
Vì vậy, nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong nước nhằm ổn định tỷ giá với dự báo thặng dư thương mại chưa khả quan trong quý 4/2022, trong khi dự trữ ngoại hối cần được hạn chế sử dụng để can thiệp vào tỷ giá hối đoái trong dài hạn.
Bên cạnh đó, theo Masvn, tình trạng khan tiền dẫn đến lãi suất huy động liên tục tăng. Trái ngược với tăng trưởng tín dụng cao, tăng trưởng tiền gửi vẫn ở mức thấp, đến cuối quý 3/2022 chỉ tăng 4,8% sv cuối năm 2021.
Vì vậy, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã phải đồng loạt tăng lãi suất huy động để thu hút dòng tiền nhàn rỗi.
Lo ngại mất tiền gốc sẽ cần được bù đắp bởi mức lãi suất hợp lý. Ngược lại, các ngân hàng lớn, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh sẽ có nhiều lợi thế trong việc huy động tiền gửi với mức chi phí huy động thấp hơn đáng kể.
Chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa các ngân hàng quốc doanh và NHTM trong tháng 11/2022 ở mức 2 - 3 điểm %.
Ngoài ra, Công ty Chứng khoán ACB (HM:ACB) (ACBS) nhận định, lãi suất điều hành có thể tăng thêm 2%/năm trong năm 2023, trong khi lãi suất liên ngân hàng, thanh khoản hệ thống sẽ duy trì ở mức hiện tại để hỗ trợ tiền đồng.
Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục duy trì chênh lệch lãi suất VND (HM:VND) và USD liên ngân hàng dương để hỗ trợ tỷ giá. Tuy nhiên, do Fed còn duy trì chính sách lãi suất cao, NHNN sẽ khó giảm mạnh lãi suất liên ngân hàng trong những tháng tới.