Vietstock - Doanh nghiệp thủy sản bức xúc bị 'đẻ' thêm chi phí cấp giấy xác nhận
VASEP vừa có công văn 82 gửi Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến việc một số ban quản lý cảng cá yêu cầu khống chế số lượng trên giấy xác nhận nguyên liệu bất hợp lý, tăng chi phí cho doanh nghiệp.
* Xuất khẩu thủy sản phục hồi chậm, cá tra vẫn gặp khó ở EU
* Nắm chắc thời cơ để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu thủy sản
Ảnh: Công Hân
|
Theo phản ánh của các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 2 tuần qua, việc cấp giấy xác nhận nguyên liệu (S/C) và thu phí xác nhận giữa các cảng cá và doanh nghiệp đã bị "đẻ" thêm quy định, gây bức xúc cho cộng đồng doanh nghiệp trong ngành thủy hải sản.
Cụ thể, theo Thông tư 118/2018 của Bộ Tài chính quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản, lệ phí cấp giấy phép khai thác, hoạt động thủy sản được quy định rõ như sau: Thu “phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản” là 150.000 đồng + (số tấn thuỷ sản x 15.000 đồng/tấn). Và mức tối đa 700.000 đồng/lần.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại một số cảng cá ở địa phương Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Vũng Tàu…, Ban quản lý các cảng này đã yêu cầu doanh nghiệp tách lượng nguyên liệu thu mua xin cấp giấy S/C để không vượt 36 tấn nguyên liệu trên mỗi giấy S/C. Nghĩa là phí cấp giấy xác nhận nguyên liệu S/C tính ra không vượt quá 700.000 đồng/lần theo quy định tại Điều 4 của Thông tư 118 đề cập trên. VASEP cho rằng, đã có nhiều trường hợp, lượng hải sản doanh nghiệp thu mua trong 1 lần tại một nơi được khoảng 40 tấn, nhưng lại không thể đăng ký như quy định tại Thông tư 118/2018, mà phải tách xin 2 giấy S/C, một giấy 36 tấn và giấy kia là số còn lại khoảng 4 tấn (!?).
“Với yêu cầu như trên, từ một số các cảng cá dẫn đến việc doanh nghiệp buộc phải làm thêm nhiều bộ hồ sơ xin xác nhận S/C, phải chịu thêm chi phí xin cấp S/C, làm gia tăng thêm chi phí cho DN” - công văn của VASEP nhấn mạnh. Ngoài ra, theo VASEP, điều quan trọng là việc thực thi quy định pháp luật theo cách diễn giải riêng và có lợi cho một bên sẽ “gây tâm lý không tốt” đối với cộng đồng rộng lớn hơn là doanh nghiệp và người dân, làm mất đi hiệu lực của văn bản pháp luật. Đại diện VASEP nêu quan điểm: “Điều này đã đi ngược lại các nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành trong việc rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt”.
Ngoài nội dung trên, VASEP còn đề nghị Thứ trưởng Phùng Đức Tiến - với tư cách đại diện Bộ NN-PTNT, sớm có chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc thực thi quy định cũng như thống nhất việc thực hiện đúng Thông tư 118/2018 của Bộ Tài chính.
Lam Nghi