Vietstock - Doanh nghiệp tại TP.HCM (HM:HCM), Bình Dương lo thiếu công nhân sau 15/9
Sau nhiều tháng không có thu nhập, nhiều người lao động tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... muốn về quê vì không thể trụ lại. Các doanh nghiệp lo tình trạng thiếu hụt lao động.
|
Nhìn người vợ đang trong những ngày cuối của thai kỳ trong căn phòng trọ tại quận Gò Vấp, anh Nguyễn Quốc Đại - một nhân viên điện máy tại TP.HCM đã thất nghiệp 4 tháng nay - không khỏi xót xa.
Trong những ngày sống bằng khoản tiền ít ỏi cuối cùng còn lại và nguồn thực phẩm hỗ trợ của phường, anh gọi cho hàng chục bạn bè và người thân hỏi thông tin để hai vợ chồng có thể trở về quê nhà tại Quảng Bình.
"Vợ tôi còn một tháng nữa thì sinh em bé, 4 tháng nay tôi không làm ra đồng nào. Tôi phải cố vay tiền để đưa vợ về quê chứ nếu sinh con ở TP.HCM chắc chắn tôi sẽ không trụ nổi. Hơn nữa, tình hình dịch bệnh khó khăn và thiếu thốn đủ bề, dù đã được tiêm vaccine, tôi vẫn không thể yên tâm", anh Đại nghẹn ngào.
Đường về quê nhiều trắc trở
Người đàn ông quê Quảng Bình này cho biết hiện anh đã có giấy chứng nhận là người dân địa phương do xã ở quê cấp và chứng nhận tiêm vaccine. Tuy nhiên, do không đăng ký được xe hỗ trợ đưa công nhân về quê, anh Đại đang tìm các dịch vụ xe tư nhân để có thể rời TP.HCM sau ngày 15/9.
"Vợ tôi cần phải về sớm để chấp hành thời gian cách ly cho kịp ngày sinh. Tôi đã đăng ký chuyến xe đưa nhóm ưu tiên là phụ nữ mang thai và trẻ em về Quảng Bình nhưng không được chọn. Giờ đây tôi không biết phải làm cách nào", người đàn ông này nói thêm.
Giống như vợ chồng anh Đại, chị Võ Thị Lam may mắn đã có đủ giấy tờ và liên lạc được một dịch vụ xe đưa người từ Bình Dương về Quảng Bình song giá vé quá đắt cũng khiến chị không khỏi lo lắng.
"Do không còn thu nhập và đang mang thai, tôi đã tìm mọi cách để có thể về quê sau ngày 15/9. Tuy nhiên, đây là xe 7 chỗ và họ nhận chở 5 người với giá 5 triệu đồng/người", chị Lam kể.
Nhiều công nhân, người lao động tại TP.HCM không còn thu nhập đang tìm mọi cách để trở về quê. Ảnh: Phạm Ngôn.
|
"Dù có thể xoay xở vay mượn đủ tiền cũng khó để tìm người đi ghép bởi mức giá này quá cao. Chủ xe nói muốn về ngay thì phải đi xe tải sang Đồng Nai rồi nối chuyến về Quảng Bình, còn không phải đợi sau 15/9", người phụ nữ này cho biết thêm.
Khi tỉnh Bình Định phát thông tin tổ chức 60 chuyến xe đưa học sinh từ TP.HCM về quê nhập học, không ít người Bình Định đang lao động xa xứ đã tỏ ra nóng ruột.
Do không còn thu nhập và đang mang thai, tôi đã tìm mọi cách để có thể về quê sau ngày 15/9. Tuy nhiên, đây là xe 7 chỗ và họ nhận chở 5 người với giá 5 triệu đồng/người. Chị Võ Thị Lam, lao động ở Bình Dương |
Theo anh Nguyễn Trường, một công nhân công ty nội thất tại TP Thủ Đức, cho biết nhu cầu về quê của công nhân làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp tại TP.HCM và Bình Dương rất lớn. Mắc kẹt lại TP mà không có công ăn việc làm, những chuyến xe cứu trợ của tỉnh đón người dân về quê rất quan trọng.
"Chúng tôi không đòi hỏi cần máy bay hay xe khách. Chỉ cần có thể về quê, chúng tôi sẵn sàng đi xe máy và thực hiện cách ly đầy đủ tại địa phương", anh nói thêm.
Trước khẳng định của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vào ngày 6/9 về việc tạo điều kiện cho người lao động trở về quê nhà, nhiều người lao động tại các nhà máy trên địa bàn TP đang tìm kiếm mọi nguồn hỗ trợ để đăng ký các chuyến xe cứu trợ.
Tuy nhiên, ông Mãi cũng cho biết người lao động muốn về quê có thể liên hệ hội đồng hương để đăng ký nhưng không nhiều địa phương có khả năng đón nhận người lao động trở về.
Theo ông, người vùng dịch về địa phương phải cách ly theo quy định, nhưng nếu số lượng đến hàng chục nghìn người nên nhiều địa phương không thể đón nhận.
Nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động
Theo đại diện nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam có tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp, một trong những nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp lúc này là thiếu hụt nguồn lao động để sản xuất, kinh doanh trở lại.
Đại diện công ty chuyên về dịch vụ, thương mại sửa chữa ôtô tại TP Thủ Đức cho biết hơn 50% nhân sự công ty đã về quê sau khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16. Số nhân sự vẫn trụ lại thành phố thì tỷ lệ đã tiêm vaccine mũi một chỉ khoảng 30%.
"Với số lượng nhân sự khó có thể trở lại TP.HCM kịp ngày 15/9, cộng với số chưa được tiêm vaccine khá lớn, nếu công ty vẫn quyết định mở lại hoạt động thì nhân sự tham gia chỉ khoảng hơn 20%", vị này nói.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Xuân Mãi, Giám đốc Công ty Công nghệ Môi trường WEPAR (tại quận Tân Phú, TP.HCM), cho biết vấn đề thiếu hụt nhân sự của doanh nghiệp là một trong những khó khăn lớn nhất nếu hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách. Một lượng lớn công nhận của công ty này đã trở về quê dẫn đến khó tuyển dụng lao động trong thời gian gần.
Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam đang tìm mọi cách để níu chân người lao động. Ảnh: Phạm Ngôn.
|
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong thời gian giãn cách xã hội, các ngành có lượng lao động lớn như dệt may, da giày, gỗ, tình trạng thiếu hụt công nhân đang diễn ra phổ biến.
Ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), tình trạng thiếu hụt lao động đã diễn ra khá lâu và khi bùng phát dịch bệnh lại càng trầm trọng hơn. Ở những khu vực bị cách ly, phong tỏa, công nhân không đi làm được càng thiếu hụt lao động.
Nhằm hạn chế tình trạng người lao động bỏ về quê, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất đã tăng đãi ngộ và đảm bảo chất lượng môi trường lao động cho công nhân.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM khẳng định nếu không giữ được người lao động đã đào tạo nhiều năm thì có thể 1-2 tháng nữa, khi khống chế được dịch bệnh thì doanh nghiệp không có công nhân để sản xuất.
Thực tế, việc người dân ồ ạt di chuyển khỏi nơi cư trú như những ngày vừa qua chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực lâu dài tại các khu kinh tế trọng điểm phía Nam. Trao đổi với chúng tôi trước đó, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cũng cho rằng điều quan trọng nhất lúc này để ổn định tâm lý lao động và doanh nghiệp là tiêm vaccine.
Hà Bùi