Vietstock - Doanh nghiệp nói gì về đề xuất mở lại đường bay quốc tế
Nhiều doanh nghiệp cho rằng nên ưu tiên kiểm soát dịch và phát huy lợi thế nội địa, chỉ cho bay quốc tế khi mọi yếu tố kiểm soát Covid-19 được đảm bảo.
* Cân nhắc mở một số đường bay quốc tế
Chính phủ mới đây đã yêu cầu nghiên cứu việc mở lại các đường bay quốc tế đến những nước "an toàn". Bản thân các hãng hàng không cũng đã lên kế hoạch sẵn sàng bay thương mại đến các nước kiểm soát tốt dịch bệnh từ 1/7.
Theo khảo sát của chúng tôi, phần lớn độc giả cho rằng "chưa nên" mở lại đường bay quốc tế lúc này.
Về đề xuất này, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước cho rằng Việt Nam không nên vội vàng, cần đánh giá kỹ. Họ lo ngại dịch bệnh bùng phát trở lại nếu để xảy ra sơ xuất.
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO cho rằng kiểm soát dịch bệnh vẫn là yếu tố quan trọng hơn cả, cơ quan Nhà nước chỉ nên cho bay quốc tế trở lại khi mọi yếu tố về kiểm soát dịch bệnh được đảm bảo.
Ông Nguyên đánh giá, giao thương, xuất khẩu đóng góp nhiều cho nền kinh tế. Tuy nhiên, thị trường nội địa cũng khá tiềm năng. "Nếu biết tận dụng lợi thế và hiểu người tiêu dùng, kinh tế nội địa sẽ dần phục hồi và hoạt động du lịch trong nước cũng phát triển mạnh trở lại. Từ đó sẽ kéo theo nhóm ngành vận tải, dịch vụ sớm vượt qua khó khăn", ông Nguyên phân tích.
Tại phiên họp thường niên năm 2020 cuối tháng 5, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup (HM:VIC) cũng nêu quan điểm tập đoàn này là ưu tiên thị trường nội địa, đảm bảo sự ổn định của thị trường trong nước.
"Mỗi năm Việt Nam có 80 triệu khách nội địa và 18 triệu khách nước ngoài. Năm nay con số khách quốc tế có thể giảm mạnh, nhưng không vì 3-5 triệu khách nước ngoài mà để ảnh hưởng thị trường nội địa với quy mô lớn hơn", ông Vượng nói.
Nhiều máy bay nằm chờ tại sân bay Tân Sơn Nhất trong giai đoạn giãn cách xã hội. Ảnh: Như Quỳnh.
|
Ngược lại, bà Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk (HM:VNM)) cho rằng không thể "bế quan toả cảng" cho đến lúc có vaccine.
Bà đánh giá đề xuất mở lại đường bay quốc tế và nối liền giao thương với một số quốc gia cơ bản khống chế được dịch là táo bạo, bởi đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu lẫn kích cầu nội địa. "Mở cửa đương nhiên là tích cực. Khi chúng ta mở cửa với nước ngoài thì họ cũng mới mở cửa ngược lại", bà Liên nói.
Tuy nhiên, người đứng đầu Vinamilk cũng cho rằng Chính phủ, Bộ Y tế có thể áp dụng khoa học kỹ thuật để lấy mẫu xét nghiệm đại trà hoặc các phương án khác vừa tiết kiệm, vừa cho kết quả tức thời với mọi hành khách trước khi lên máy bay.
Trong lĩnh vực F&B, ông Mai Trường Giang, chủ doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng bánh Chewy Chewy và gà rán Otoke Chicken cũng cho rằng có thể mở lại đường bay nhưng "nên cân nhắc thời gian thích hợp" và chỉ với quốc gia đang kiểm soát tốt dịch bệnh. "Khi cả 2 bên cùng kiểm soát chặt chẽ thì đây là cơ hội để giao thương quốc tế và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trở lại", ông Giang nói.
Ông Trần Việt - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt Kim Đông Xuân nhấn mạnh, đã quá lâu khách hàng quốc tế không sang được Việt Nam nên ông thấy "rất tốt" nếu đủ điều kiện mở lại các đường bay quốc tế tới thị trường an toàn. Tuy nhiên, nếu thực hiện, ông nói thêm, công tác phòng, chống dịch vẫn phải ưu tiên hàng đầu, ví dụ thực hiện thời gian cách ly, yêu cầu có giấy chứng nhận không nhiễm bệnh...
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 18 triệu lượt người, thu về 726.000 tỷ đồng. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không là 14,3 triệu lượt, chiếm 79,8% lượng khách quốc tế... Năm nay, ngành du lịch Việt Nam kỳ vọng đón khoảng 20,5 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm nay, khách quốc tế giảm 48,8% so với cùng kỳ năm trước.
Kỳ Duyên