Vietstock - Doanh nghiệp lớn vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn
Thiếu nhân lực để sản xuất do các quy định về giãn cách; Khó khăn trong điều hành và quản lý công việc từ xa; Đứt gãy chuỗi cung ứng; Sức mua giảm sút; Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao là những thách thức mà các doanh nghiệp nằm trong Bảng xếp hạng PROFIT500 phải đối mặt do đợt dịch lần thứ 4 bùng phát…
Ảnh minh hoạ |
Ngày 15/10, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố Bảng xếp hạng PROFIT500 - Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2021.
DỰ BÁO LỢI NHUẬN SẼ GIẢM TRONG QUÝ 3
Theo đánh giá của Vietnam Report, đối mặt với đợt bùng phát dịch lần thứ 4 hết sức nguy hiểm và kéo dài trong nhiều tháng qua, lợi nhuận các doanh nghiệp trong quý 3 năm nay được dự báo sẽ giảm đáng kể do các biện pháp giãn cách xã hội diện rộng làm gián đoạn đà phục hồi.
Triển vọng tăng trưởng của nhiều ngành gặp thách thức lớn khi có ít nhất 70% nhà máy sản xuất ở miền Nam phải tạm dừng hoạt động trong thời gian giãn cách. Đối với các nhà máy vẫn đang duy trì hoạt động phải đảm bảo theo mô hình "3 tại chỗ" (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ) và test Covid-19 3 ngày/lần… do đó chịu chi phí vận hành rất lớn và buộc phải giảm 40-50% công suất.
Trên cơ sở nhận định đó, tham gia cuộc khảo sát Vietnam Report, các doanh nghiệp cho biết, trong những tháng cuối năm 2021 top chiến lược mà họ ưu tiên nhằm tăng lợi nhuận gồm: Tăng cường các hoạt động PR, thực hiện trách nhiệm xã hội; Tăng doanh thu bằng cách thúc đẩy bán hàng thông qua cải thiện dịch vụ khách hàng, tăng cường giảm giá/khuyến mãi, tìm kiếm và mở rộng thị trường, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng năng suất lao động; Cắt giảm chi phí thông qua việc thường xuyên theo dõi ngân sách và đánh giá hiệu quả hoạt động; Ứng dụng chuyển đổi số.
Top 5 mong đợi của doanh nghiệp PROFIT500 khi đầu tư vào chuyển đổi số là: Thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; Quản lý, phân tích dữ liệu và theo dõi các báo cáo kịp thời, nhanh chóng và chính xác; Tiết kiệm chi phí và đạt hiệu quả hoạt động; Nâng cao năng suất lao động; Tăng cường vị thế cạnh tranh trên thị trường. |
“Đẩy mạnh đầu tư vào chuyển đổi số là chiến lược hàng đầu của các doanh nghiệp để đối phó trước những tác động của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đại dịch, chuyển đổi số là cách để các doanh nghiệp giải quyết được những vấn đề từ việc đình trệ sản xuất, khó quản lý nhân viên cho đến việc phải tạm đóng cửa các cơ sở kinh doanh vì dịch bệnh.
Mặt khác, trong điều hành doanh nghiệp, chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu giúp các nhà quản trị giải quyết bài toán về chi phí và tăng hiệu suất công việc. Hơn nữa, trong giai đoạn giãn cách, nhờ có chuyển đổi số, các nhà quản trị đã giải quyết được những khó khăn trong điều hành và quản lý công việc từ xa, có thể nắm được tình hình, kiểm soát tiến độ và chất lượng công việc của toàn bộ công ty, tối ưu hóa nguồn lực dù làm việc tại nhà thông qua việc chuẩn hóa quy trình làm việc nhờ phần mềm quản lý nguồn lực doanh nghiệp theo dõi dòng tiền kịp thời và nhanh chóng, họp trực tuyến để trao đổi công việc…”, các chuyên gia của Vietnam Report nhận định.
BỐN VẤN ĐỀ CẦN CHÍNH PHỦ QUAN TÂM
Thông qua cuộc khảo sát, cộng đồng doanh nghiệp PROFIT500 cũng đã nêu ra bốn vấn đề quan trọng nhất cần Chính phủ và các cơ quan liên quan ưu tiên giải quyết để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Đó là: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; Giản lược tối đa thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ; Hỗ trợ cắt giảm và gia hạn nộp thuế; Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính trên không gian số.
“Khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay chính là đại dịch Covid-19. Do vậy, nhanh chóng kiểm soát dịch chính là yếu tố quyết định cho sự phục hồi và tăng trưởng của các doanh nghiệp Việt Nam. Song song với đó, Chính phủ cũng cần chú trọng tới các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Về chính sách tài khóa, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ góp phần kích thích tổng cầu, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế.
Mặt khác, với chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, giảm lãi suất cho vay, nới lỏng và cho phép tái cơ cấu các khoản nợ để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn là điều hết sức cần thiết.
Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục triển khai các giải pháp cấp bách gỡ khó cho doanh nghiệp như: Hỗ trợ cắt giảm và gia hạn nộp thuế; Giản lược tối đa thủ tục, tạo điều kiện đơn giản, thông thoáng nhất để doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ và Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công, xử lý hồ sơ nghiệp vụ, thủ tục hành chính trên không gian số”, ông Phùng Hoàng Cơ, Phó Chủ tịch Vietnam Report phân tích.
Trong suốt 5 năm qua, ngành Bất động sản - Xây dựng, ngành Tài chính và ngành Thực phẩm - Đồ uống luôn giữ vững vị trí là Top 3 ngành có số lượng doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất trong Bảng xếp hạng PROFIT500. Trong khi nhóm ngành Tài chính và ngành Thực phẩm - Đồ uống luôn ổn định và lần lượt dao động quanh mức 11% và 10% xuyên suốt giai đoạn 2017 - 2021 thì ngành Bất động sản - Xây dựng đã có bước nhảy vọt trong năm 2019 khi tăng mạnh từ 14,8% (năm 2018) lên mức 23,9% - chiếm gần 1/4 tổng số doanh nghiệp trong bảng. |
Phan Dương