Vietstock - Công ty mẹ khu du lịch Hòn Tằm nợ nần chồng chất
Trước khi khu du lịch Hòn Tằm (TP Nha Trang) đổi chủ, Tập đoàn Khải Vy (công ty mẹ của Hòn Tằm Biển Nha Trang) đã vướng vào các khoản nợ nghìn tỷ.
Trước khi thông tin khu resort Hòn Tằm đổi chủ xuất hiện, công ty mẹ của doanh nghiệp đầu tư dự án này - Công ty CP Khải Vy (tên cũ là Công ty CP Tập đoàn Khải Vy) - đã được nhắc tới nhiều lần do liên quan các khoản nợ nghìn tỷ tại ngân hàng.
Theo tìm hiểu, khu du lịch Meperle Hòn Tằm Resort (đảo Hòn Tằm, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang) do Công ty CP Hòn Tằm Biển Nha Trang làm chủ đầu tư. Trong đó, Hòn Tằm Biển Nha Trang lại là công ty thành viên của Khải Vy.
Hiện ông Đoàn Văn Trang, nhà sáng lập và chủ sở hữu Khải Vy cũng đang là Chủ tịch HĐQT tại Hòn Tằm Biển Nha Trang.
Bị ngân hàng siết nợ
Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, Công ty CP Khải Vy được thành lập từ năm 2000 với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất và chế biến gỗ. Trước năm 2010, đây cũng là một trong những nhà xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam. Tập đoàn này sở hữu nhiều nhà máy gỗ lớn tại TP.HCM và lâm trường trồng rừng hơn 3.000 ha tại Đắk Nông (vốn đầu tư hơn 3 triệu USD).
Sau năm 2010, Khải Vy lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với dự án đầu tay là khu du lịch Hòn Tằm rộng 114 ha, tổng vốn đầu tư 42 triệu USD. Không lâu sau, tập đoàn này chi thêm 580 tỷ đồng xây dựng Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace (khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM) và trở thành chủ đầu tư dự án Khu dân cư, thương mại Khải Vy (quận 7, TP.HCM), tổng vốn 8.231 tỷ đồng.
Ngoài ra, Khải Vy cũng là doanh nghiệp đứng ra mua lại dự án khách sạn 5 sao tại lô đất số 1 đường Hùng Vương, thành phố Đà Lạt, sau đổi tên thành Merperle Đà Lạt Hotel. Đây là một trong những dự án khách sạn lớn nhất Đà Lạt với diện tích 1,1 ha và vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc mở rộng danh mục bất động sản quá nhanh trong khi thị trường này gặp khó giai đoạn 2011-2014 đã khiến Khải Vy rơi vào cảnh nợ nần chồng chất và bị ngân hàng nhiều lần siết nợ.
Ông Đoàn Văn Trang, nhà sáng lập Khải Vy trong một sự kiện của tập đoàn này. Ảnh: Khải Vy Group. |
Năm 2019, BIDV (HM:BID) Chi nhánh Phú Tài (tỉnh Bình Định) từng rao bán Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace của Khải Vy với giá 535 tỷ đồng để thu hồi nợ nhưng không thành công. Sau nhiều lần rao bán bất thành, giá khởi điểm ngân hàng đưa ra đã giảm 33% so với ban đầu, chỉ còn 356 tỷ đồng.
Cùng với đó, nhà băng này cũng mang nhiều tài sản khác thuộc sở hữu của Khải Vy ra đấu giá để thu hồi nợ như 8,75 triệu cổ phần tại Công ty CP Hòn Tằm Biển Nha Trang (giá khởi điểm 164 tỷ); diện tích rừng trồng tại lâm trường Đăk Hà, tỉnh Đắk Nông (hơn 45 tỷ); quyền sử dụng đất với tổng diện tích 100.223,8 m2 và 76.294,6 m2 tại nhà máy khu công nghiệp Long Mỹ, xã Phước Mỹ, thành phố Quy Nhơn (132 tỷ)... Tuy vậy, các đợt rao bán tài sản nói trên đều rơi vào tình trạng ế ẩm.
Đến năm 2020, BIDV đã phải thẩm định lại giá tài sản bảo đảm trong khoản nợ của Khải Vy với dư nợ gốc và lãi hơn 1.035 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2020-2021, BIDV đã hơn 10 lần mang khoản nợ này ra bán đấu giá nhưng đều bất thành.
Theo thông báo của ngân hàng, khoản nợ này được đảm bảo bằng một loạt tài sản thuộc sở hữu của Khải Vy như Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace; gần 550 ha rừng trồng cây tại tỉnh Đắk Nông; toàn bộ công trình xây dựng trên đất, máy móc thiết bị sản xuất gỗ tại 2 cụm nhà xưởng tại thành phố Quy Nhơn; máy móc thiết bị chế biến gỗ...
Đáng chú ý, Khải Vy cũng mang 8,7 triệu cổ phần tại Hòn Tằm Biển Nha Trang và quyền đòi nợ/khoản phải thu phát sinh tại công ty này (ước tính hơn 51 tỷ đồng) ra làm tài sản đảm bảo cho khoản vay.
Kể từ cuối năm 2021, sau lần rao bán khoản nợ với giá khởi điểm 602,4 tỷ đồng, giảm 42% so với giá rao bán lần đầu, BIDV đã không còn thông báo bán đấu giá khoản nợ này.
Thế chấp nhiều tài sản tại ngân hàng
Thực tế, ngoài 8,7 triệu cổ phần tại Hòn Tằm Biển Nha Trang đang thế chấp tại BIDV, Khải Vy còn mang hơn 7,5 triệu cổ phần khác của chủ dự án resort Hòn Tằm thế chấp tại Baoviet Bank.
Trong nhiều năm qua, Khải Vy thường xuyên phát sinh các giao dịch bảo đảm để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay ngân hàng.
Tháng 3/2013, tập đoàn này đã mang hơn 1,17 triệu cổ phiếu BID đi thế chấp tại BIDV Chi nhánh Phú Tài. Đến tháng 11/2021, Khải Vy cũng phát sinh giao dịch bảo đảm với Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam. Trong đó, tài sản đảm bảo là 19,66 triệu cổ phần tại Công ty CP Thương mại sản xuất Duyên Hải.
Nhiều cổ phần của Hòn Tằm Biển Nha Trang đang được thế chấp tại các ngân hàng. Ảnh: Xuân Hoát. |
Không chỉ vướng vào các khoản nợ nghìn tỷ, dự án Khách sạn 5 sao Merperle Đà Lạt Hotel của Khải Vy cũng từng bị Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, rà soát lại năng lực tài chính của chủ đầu tư. Cơ quan thanh tra yêu cầu tập đoàn muốn đầu tư dự án phải ký quỹ để thực hiện và cam kết thời hạn hoàn thành.
Cùng với việc bị siết nợ hàng loạt tài sản, Khải Vy cũng liên tục đăng ký thay đổi quy mô vốn điều lệ từ năm 2018 đến nay. Trong đó, vốn điều lệ tập đoàn này đã giảm từ hơn 713,1 tỷ đồng đầu năm 2018 xuống mức gần 359 tỷ đồng vào cuối năm 2020.
Hiện vị trí chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty cũng được thay đổi từ ông Đoàn Văn Trang sang ông Nguyễn Quốc Bảo.
Về phía Hòn Tằm Biển Nha Trang, doanh nghiệp này được thành lập từ năm 2006, có trụ sở chính tại phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Hiện ông Đoàn Văn Trang đang là chủ tịch HĐQT.
Theo báo cáo thay đổi thông tin gần nhất (năm 2019) vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 899 tỷ đồng.
Tương tự công ty mẹ, Hòn Tằm Biển Nha Trang cũng có nhiều hợp đồng giao dịch đảm bảo để thế chấp tài sản với các ngân hàng trong những năm gần đây.
Trong đó, công ty này đang có giao dịch bảo đảm tại Baoviet Bank với các tài sản hình thành trong tương lai, gồm hạng mục công trình phụ trợ gắn liền với khu C (mở rộng) và thiết bị, nội thất, vật liệu thuộc Dự án Khu du lịch đảo Hòn Tằm. Theo ước tính của hợp đồng, giá trị của các tài sản đảm bảo này vào khoảng 92 tỷ đồng.
Quang Thắng