Vietstock - Có những loại đầu tư công hầu như không hỗ trợ cho tăng trưởng
Số liệu trên trang web của Tổng cục Thống kê có đến năm 2020 cho thấy, năm 2020 vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 2,16 triệu tỉ đồng, trong đó đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước khoảng 729.000 tỉ đồng, chiếm xấp xỉ 33,7% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Tuy nhiên cũng theo Niên giám và trang web của Tổng cục Thống kê, khoản tiền 2,16 triệu tỉ đồng chỉ tạo ra khoảng 1,7 triệu tỉ đồng tài sản cố định và tài sản lưu động, tức là chỉ khoảng 78,5% khoản tiền xã hội bỏ ra đầu tư đến được với sản xuất để tạo ra tài sản.
Chênh lệch giữa vốn đầu tư và tích lũy gộp tài sản từ năm 2010-2020 ngày càng có xu hướng tăng lên (xem biểu đồ). Điều này dẫn đến tỷ trọng vốn đầu tư so với GDP cao hơn tích lũy gộp tài sản so với GDP khá nhiều. Năm 2020 tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP khoảng 34,4% nhưng tỷ lệ tích lũy gộp tài sản so với GDP chỉ khoảng 27%.
Đầu tư công là vốn mồi để lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác. Ảnh: N.K |
Đầu tư công là vốn mồi để lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác. Ảnh: N.K |
Tỷ trọng đầu tư công chiếm khoảng trên dưới 30% trong vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Như vậy, giả sử đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước tăng lên 10% sẽ khiến tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện tăng 3,1%, với khoảng 78,5% trong số đó (như năm 2020) đi vào được tới sản xuất, làm tích lũy gộp tài sản tăng khoảng 4%.
Khi đó GDP theo phương pháp chi tiêu tăng 1,04% ngay khi tăng đầu tư và ảnh hưởng lan tỏa đến chu kỳ sản xuất sau khoảng 0,5%. Chú ý rằng, nếu đầu tư đi vào những công trình như cổng chào, tượng đài, đào đường lên rồi lại lấp đường, những công trình xây dựng mà không sử dụng… có thể làm tăng GDP ngay tại thời điểm đó nhưng sẽ không có lan tỏa đến chu kỳ sản xuất tiếp theo.
Muốn giữ vững được tăng trưởng thực sự, cần giảm giá đầu vào. Các sản phẩm đầu vào đương nhiên phụ thuộc vào giá thế giới và chính sách thuế. Giá thế giới thì khó hoặc không thể can thiệp hoặc kiểm soát; do đó chỉ có thể giải quyết bằng chính sách thuế. |
Nhiều ý kiến cho rằng đầu tư công là vốn mồi để lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác, nhưng thực ra ý kiến kiểu này là hơi khó hiểu! Vấn đề là lan tỏa đến thành phần kinh tế nào? Và lan tỏa như thế nào (bao nhiêu)? Theo lý thuyết về “cực tăng trưởng” của Hirschman (1958) và ý niệm về sự lan tỏa của Leontief (1936, 1941), có thể thấy đầu tư công vào các công trình hạ tầng sẽ lan tỏa đến sự mở rộng sản xuất của các ngành sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép, vận tải…
Nhưng những sản phẩm đầu vào là sắt thép cơ bản là nhập khẩu (khoảng 70%), chỉ 30% sản xuất trong nước đáp ứng được nhu cầu. Để ý rằng sản xuất sắt thép trong nước cũng cơ bản là gia công. Có thể thấy giá thép trong nước sản xuất cũng tương đương giá nhập khẩu, thậm chí có những sản phẩm giá còn cao hơn một chút. Nếu không nghiên cứu kỹ thì vốn mồi có thể chỉ kích thích nhập khẩu, kích thích sản xuất của nước khác.
Như vậy đầu tư công chỉ làm tăng GDP được một chút trong khi giá đầu vào như xăng dầu, sắt thép tăng cao thì việc tăng đầu tư công không bù đắp được cho tăng trưởng khi giá đầu vào tăng như hiện nay. Lưu ý rằng, nếu GDP theo giá so sánh tính theo phương pháp giảm phát một lần hoặc cố định hệ số thì sẽ không thấy được sự ảnh hưởng của thay đổi giá đầu vào tới tăng trưởng; ngoài ra đầu tư công cần phải hiệu quả và đảm bảo tất cả lượng tiền đầu tư đến được với sản xuất.
Theo tính toán từ bảng cân đối liên ngành, sắt thép chiếm trong chi phí trung gian ngành xây dựng hạ tầng khoảng 7% và chiếm trong giá trị sản xuất khoảng 9%; khi sắt thép tăng 10% sẽ khiến giá thành xây dựng tăng khoảng 0,7%, điều này có thể dẫn đến tăng trưởng do đầu tư công mang lại thấp hơn so với dự kiến.
Muốn giữ vững được tăng trưởng thực sự, cần giảm giá đầu vào. Các sản phẩm đầu vào đương nhiên phụ thuộc vào giá thế giới và chính sách thuế. Giá thế giới thì khó hoặc không thể can thiệp hoặc kiểm soát; do đó chỉ có thể giải quyết bằng chính sách thuế. Chính sách thuế và tham nhũng vặt đã kìm hãm sự tăng trưởng của Việt Nam.
Bùi Trinh